Bình Dương nỗ lực cải thiện PCI

Cập nhật: 11-06-2013 | 00:00:00

Xác định cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) không phải vì cuộc đua về thứ hạng mà mục đích chính là tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh ngày càng tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại địa phương, mới đây Bình Dương đã triển khai đề án nâng cao PCI, một đề án được xây dựng công phu, bài bản với sự vào cuộc đồng loạt từ các sở, ban, ngành có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các tiêu chí của PCI…

Phát huy ưu điểm, chấn chỉnh hạn chế

Nhìn lại kết quả khảo sát PCI năm 2012 đã được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiến hành khảo sát, công bố, Bình Dương sau nhiều năm liền đứng ở vị trí top đầu, đã tụt xuống vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng bởi chỉ có 2 chỉ số thành phần tăng bậc, 1 chỉ số thành phần giữ nguyên, còn lại 6 chỉ số thành phần khác giảm bậc khá mạnh so với năm trước. Cụ thể, chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo chính quyền tăng 3 bậc; chỉ số Chi phí không chính thức tăng 6 bậc; chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin giữ nguyên; chỉ số Chi phí gia nhập thị trường giảm 7 bậc; chỉ số Tiếp cận và sự ổn định trong sử dụng đất đai giảm 15 bậc; chỉ số Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước giảm 12 bậc; chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN giảm 32 bậc; chỉ số Đào tạo lao động giảm 3 bậc và chỉ số Thiết chế pháp lý giảm 35 bậc so với năm 2011.  

 Môi trường đầu tư, kinh doanh của Bình Dương ngày càng được cải thiện. Trong ảnh: Sản xuất bao da tay tại Công ty Showa Gloves (KCN VSIP)

Trên cơ sở thực tế các chỉ số thành phần của PCI năm 2012, đơn vị soạn thảo đề án là Sở Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết với sự chung tay vào cuộc của tất cả các sở, ngành chức năng có liên quan đến các chỉ số thành phần của PCI. Theo đó, đề án tập trung vào phát huy những ưu điểm của các chỉ số thành phần tăng bậc vốn có, quyết liệt chấn chỉnh những hạn chế còn tồn tại ở các chỉ số thành phần giảm bậc. Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế pháp lý. Sở Công Thương, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tư pháp, các hiệp hội ngành hàng sẽ tập trung phát triển và đa dạng hóa các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ DN. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng với các ban, ngành liên quan thực hiện các biện pháp giảm thiểu chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước. Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng với các sở ngành liên quan cần thực hiện tốt các biện pháp giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp các sở, ngành thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo lao động…

Trách nhiệm, tâm và tầm

“…PCI giảm, nói “nặng” thì không hẳn nhưng không thể coi thường. Nếu anh ngồi hạng nhất rồi mà lại ngồi “mơn trớn” lẫn nhau trong khi phía DN vẫn còn ý kiến này, ý kiến khác thì không thể được. Ở vị trí thứ 19, Bình Dương càng phải có trách nhiệm cải thiện chỉ số này. Đây là mục tiêu mà lãnh đạo chính quyền mong muốn. Dù có được vị trí tốt về PCI hay có rớt hạng thêm nữa thì chính quyền cũng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung bày tỏ quan điểm, đồng thời nhấn mạnh 3 vấn đề then chốt trong việc nâng cao chỉ số PCI, đó là trách nhiệm, tâm và tầm mà các sở, ngành, chính quyền huyện, thị, thành phố phải xuyên suốt trong quá trình điều hành, thực hiện các thủ tục hành chính cho DN. Có như vậy mới giải quyết được các vấn đề mà thực tế đời sống DN trong bối cảnh khó khăn đang đặt ra. “…Các ngành đặc biệt liên quan đến DN như thuế, hải quan, kế hoạch đầu tư… cần phải sát sao đối với đội ngũ công chức, tránh tình trạng nhiễu sách DN…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với các DN tiêu biểu thuộc khu vực FDI, các DN trong nước, các hiệp hội ngành hàng cùng với các ngành chức năng để lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng DN về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là những băn khoăn, vướng mắc khó khăn của DN để tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn. “UBND tỉnh luôn cầu thị và giải quyết đến nơi đến chốn những trường hợp DN gặp vướng mắc khó khăn…”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Phải gần gũi với DN để tháo gỡ khó khăn

Năm 2013, các DN dân doanh nhỏ và vừa đã được UBND tỉnh phân cấp về cho UBND các huyện, thị, thành phố quản lý. Chính vì thế, chính quyền cơ sở phải tiến hành rà soát lại, thực hiện cho tốt. Dù các ý kiến của DN phản ánh trong chỉ số PCI chưa phản ánh đúng hết bản chất môi trường kinh doanh tại địa phương nhưng các sở, ngành, huyện, thị, thành phố cần phải có trách nhiệm, cái tâm và tầm, gần gũi với DN để tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phạm Danh: Sẽ chấn chỉnh những hạn chế về đất đai, môi trường

Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính ở cấp huyện, thị, thành phố để chấn chỉnh, đồng thời tìm ra các giải pháp mới trong việc đơn giản hóa hành chính hơn nữa. Đối với công tác môi trường, thực tế cũng có chỗ còn chồng lấn với nhiệm vụ của cảnh sát môi trường. Do vậy, hai ngành sẽ ngồi lại với nhau để tìm biện pháp xử lý… Chúng tôi tin rằng, khi tập trung cải thiện các nội dung trên, chắc chắn chỉ số PCI cũng sẽ được cải thiện tốt hơn…

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Văn Trang: Hạn chế tối đa phiền hà cho DN

Các hiệp hội ngành hàng, DN phản ánh rằng, dù cấp lãnh đạo tỉnh, cấp lãnh đạo ngành rất tâm huyết, mong muốn tìm mọi cách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng những cán bộ công chức thừa hành dưới cấp, đâu đó vẫn còn nảy sinh tiêu cực, làm phiền hà DN. Vì vậy, lãnh đạo ngành thuế địa phương sẽ phải chấn chỉnh, sát sao hơn công tác quản lý lãnh đạo, tăng cường kiểm tra việc thừa hành của cấp dưới để hạn chế thấp nhất những phiền hà, nhũng nhiễu cho DN…

Kỳ tới: Nâng cao PCI dưới góc nhìn của DN

  THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên