Bình Dương: Vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản

Cập nhật: 23-12-2011 | 00:00:00

Nhộn nhịp khởi công, khánh thành

Năm 2011, tuy tình hình chung không thuận lợi nhưng hàng loạt các doanh nghiệp (DN) có vốn Nhật Bản đã khởi công, khánh thành nhà máy. Cụ thể như, Công ty TNHH Finecs Việt Nam, thuộc Tập đoàn Finecs Nhật Bản đã khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP I vào ngày 1-12 vừa qua để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho con chíp máy tính, điện thoại di động, điện tử kỹ thuật số... Finecs được thành lập năm 1969, là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về linh kiện, thiết bị trong các lĩnh vực điện tử, điện tử công nghiệp, tự động hóa... nhằm cung cấp cho nhiều hãng điện tử nổi tiếng trên thế giới. Nhà máy Finecs tại Bình Dương có vốn đầu tư 7 triệu USD, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ đi vào hoạt động. Khi ấy, sản phẩm của nhà máy sẽ xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Trước đó, Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs Việt Nam đã khánh thành đưa nhà máy sản xuất hàng may mặc đồng phục vào hoạt động tại KCN Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát. Theo ông Kawase Toshihiko, Giám đốc Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs Việt Nam cho biết, nhà máy hoạt động với 10 dây chuyền sản xuất, sản lượng đạt 360.000 sản phẩm may mặc và 300.000 sản phẩm may thêu/năm. Toàn bộ sản phẩm này được xuất khẩu về Nhật để cung cấp cho các hãng xe nổi tiếng như Toyota, Suzuki, Mitsubishi...  

Sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam

Bên cạnh các dự án mới được khởi công, khánh thành đi vào hoạt động, trước tình hình đầu tư hiệu quả trên địa bàn, trong năm 2011, nhiều DN Nhật cho biết đã quyết định nâng vốn đầu tư để mở rộng hoạt động sản xuất. Trong đó, nhiều DN nâng vốn lớn như Công ty TNHH Tokyo Rope Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu các loại dây cáp chịu lực có chất lượng hàng đầu thế giới sang nhiều nước. Theo ông Masaya Asano, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tokyo Rope Việt Nam, thành viên HĐQT Tập đoàn Tokyo Rope Nhật Bản cho biết, năm 2012 tới, công ty sẽ đầu tư thêm 45 triệu USD để mở rộng nhà máy tại KCN VSIP II; nâng tổng nguồn vốn đầu tư của công ty tại VSIP II lên gần 69 triệu USD, sản lượng sản xuất của công ty lên gấp 3 lần công suất hiện tại với khoảng 1.000 tấn/tháng. Giống như Tokyo Rope, sau thời gian hoạt động hiệu quả, đánh giá cao về môi trường đầu tư thuận lợi tại Bình Dương, Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm găng tay gia dụng và găng tay công nghiệp cho biết, sẽ nâng vốn đầu tư lên 100 triệu USD.

Hứa hẹn nhiều dự án lớn

Cùng với các dự án triển khai, tăng vốn nhộn nhịp trên, trong năm 2011 đã có nhiều tập đoàn Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh để chuẩn bị đầu tư. Trong buổi đến tìm hiểu môi trường đầu tư vào Bình Dương mới đây, ông Mera, Chủ tịch Công ty Kiyo Kensetsu Kikai cho biết, qua khảo sát nhiều nơi, Công ty Kiyo Kensetsu Kikai mong muốn được đầu tư xây dựng một nhà máy ở một KCN Bình Dương để đáp ứng nhu cầu phụ tùng thiết bị nặng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất cung cấp phụ tùng thiết bị nặng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Công ty Kiyo Kensetsu Kikai là DN nổi tiếng có uy tín và kinh nghiệm về sửa chữa, sản xuất phụ tùng thiết bị nặng và sở hữu công nghệ cao, nhất là sản phẩm thủy lực của các thiết bị cơ giới nhằm kéo dài tuổi thọ của động cơ để giúp người sử dụng đạt hiệu quả kinh tế cao. Hay như Tập đoàn Aeon chuẩn bị đầu tư triển khai dự án trung tâm thương mại tại TX.Thuận An. Aeon là tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Nhật hiện đã đầu ra nhiều quốc gia. Tại Bình Dương, dự án của Aeon sẽ được xây dựng kế cận KCN VSIP I với diện tích 6 ha. Dự án hiện đang hoàn tất các bước thủ tục để được triển khai. Theo ông Nagahashi, Phó Chủ tịch Tập đoàn Aeon cho biết, dự án sẽ được xây dựng 3 tầng với tổng diện tích xây dựng lên đến 75.000m2; trong đó diện tích kinh doanh 45.000m2. Dự kiến đầu năm 2012 sẽ khởi công dự án, đến năm 2014 sẽ đưa trung tâm thương mại Aeon tại Bình Dương vào hoạt động, giúp giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động.

 Đáng chú ý hiện nay, Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản cũng đang chuẩn bị đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, giao thông tại Bình Dương. Đây là tập đoàn đa ngành nghề, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực như ngành tàu điện, phát triển kiến tạo đô thị, giao thông - vận tải, kinh doanh bán lẻ siêu thị, khách sạn, văn hóa giáo dục... Chủ tịch Tập đoàn Tokyu, ông Koshi Mura cho rằng, Bình Dương đã tăng trưởng hàng năm cao gấp đôi cả nước. Vì vậy, Bình Dương đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Tập đoàn Tokyu. Minh chứng điều này là giữa Tập đoàn Tokyu và Becamex IDC đã có nhiều chương trình hợp tác; trong đó ngoài cam kết đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại; Tokyu sẽ giúp Bình Dương đầu tư hệ thống tàu điện. Thời gian tới, giữa Tokyu và Becamex IDC sẽ có những chương trình hợp tác cụ thể hơn để xúc tiến đầu tư.  

  Việc nhiều công ty, tập đoàn Nhật Bản tiếp tục chọn lựa Bình Dương để đầu tư là tín hiệu đáng mừng. Điều này cũng chứng tỏ môi trường đầu tư năng động và thuận lợi của tỉnh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các DN Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung khi chọn lựa địa điểm để triển khai dự án.

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=274
Quay lên trên