Các cấp Hội LHPN ở Bình Dương: Chung tay bảo vệ môi trường

Cập nhật: 09-10-2014 | 09:05:15

Từ mô hình “Trồng cây lấy lá” tại phường An Thạnh, TX.Thuận An, đến nay rất nhiều mô hình khác được nhân rộng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền đến chị em phụ nữ, hộ gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hành động vì môi trường…

 Hội LHPN TX.Dĩ An với bộ sản phẩm tái chế đoạt giải nhất hội thi Ý tưởng sáng tạo bảo vệ môi trường năm 2014 do Hội LHPN tỉnh tổ chức Ảnh: T.LÝ

Nhân rộng từ một mô hình

Chỉ một mô hình nhỏ, cứ tưởng hiệu quả mang lại rất nhỏ, nhưng khi triển khai và hình thành, mô hình “Trồng cây lấy lá” tại phường An Thạnh, TX.Thuận An đã được nhân rộng. Ban đầu, thành viên tham gia mô hình này không đáng là bao, nhưng sau một năm, mô hình đã phát triển thêm 10 thành viên, nâng tổng số lên 125 thành viên. Mạng lưới của mô hình tập trung ở 4 khu phố nông thôn. Đây là vùng đất rộng và phù hợp với thổ nhưỡng nên việc trồng cây lấy lá (cây chuối) chẳng bao lâu nhân rộng khắp vùng.

Theo các thành viên, đến nay, toàn phường đã có 22 hộ trồng chuyên cây chuối trên diện tích 1.704m2. Ngoài ra, cũng trên diện tích đất ấy, các hộ còn trồng xen canh cây lâu năm. Để sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ, các thành viên của mô hình đã chịu khó tìm đầu ra, giúp các hộ trồng chuối có điều kiện gắn bó với cây chuối, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT). Không ngờ niềm vui luôn được tiếp nối. Hiện có 45% các tiểu thương của 2 chợ trên địa bàn đã sử dụng lá chuối thay thế túi nylon để gói thực phẩm. Bên cạnh đó, có những nhà vườn còn chủ động trực tiếp đem lá chuối tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Tâm sự với chúng tôi, các chị là thành viên của mô hình còn nói từ tăng cường sử dụng lá chuối gói thực phẩm, số tiền bán lá chuối, các chị sẽ gây quỹ và mua 1.000 túi sử dụng nhiều lần để cấp phát cho đối tượng công nhân sử dụng đi chợ khi tan ca.

Hiệu quả từ mô hình “Trồng cây lấy lá”, giờ đây đã nhân rộng rất nhiều mô hình khác. Từng hội phụ nữ đã có nhiều sáng tạo, xây dựng ý tưởng như Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một thì xây dựng Câu lạc bộ (CLB) “Mảng xanh”; đồng thời các cấp hội còn duy trì 138 CLB, tổ, nhóm về BVMT, gồm 2 CLB “Vì một đô thị không rác”, 60 CLB “Ngôi nhà xanh” gắn với mô hình thực hiện “5 không, 3 sạch”, 1 CLB “Phụ nữ với môi trường”, 1 CLB “Không gian xanh”, 1 CLB “Nhà sạch, đường thoáng, 1 CLB “Bảo vệ môi trường”, 2 mô hình “Khu nhà trọ văn hóa”, 5 tổ tự quản xây dựng nếp sống văn minh đô thị, 3 CLB “Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống, an toàn”, 1 CLB “Góc bếp điểm mười”, 1 CLB “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp, 1 CLB “Tiết kiệm năng lượng”, 1 CLB “Vườn rau an toàn”, 1 CLB “Phân loại rác thải tại gia đình”, 1 CLB “Mái nhà xanh”, 1 CLB “Tiểu thương”, 46 tổ phụ nữ tự quản VSMT - 5 không 3 sạch - an toàn giao thông”) với tổng số 5.399 thành viên.

Hiệu quả truyền thông

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ Hội LHPN tỉnh, cho biết làm được điều đó, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống tận các cấp hội cơ sở. Bằng các hình thức truyền thông, thời gian qua, hội đã phối hợp với ngành chức năng mở 4 lớp tập huấn cho 600 người là thành viên CLB “Phụ nữ với môi trường, tổ tự quản BVMT” ở TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo và TP.Thủ Dầu Một về quản lý và sử dụng tài nguyên, phương pháp truyền thông về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình; biên soạn trên 2.000 quyển Thông tin phụ nữ Bình Dương số 87, 88; phân bổ cho cấp cơ sở 50 quyển “Quy định BVMT tỉnh Bình Dương” và 10 quyển cẩm nang BVMT dành cho nhà quản lý doanh nghiệp của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Không những thế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” sau khi hội phát động, cũng được hội viên phụ nữ hưởng ứng tích cực. Mỗi nhà, mỗi quầy mua bán có 1 sọt rác, đổ rác đúng nơi quy định không vứt rác xuống dòng sông, kênh rạch, trồng cây xanh chung quanh nhà tạo không gian sống hài hòa... Thông qua cách làm này, các cấp hội vận động chị em phụ nữ trồng 2.276 cây xanh, chăm sóc 422m2 cây xanh, cấp phát 8.700 tờ rơi tuyên truyền, 613 băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền tại các khu dân cư, đồng thời ra quân dọn vệ sinh, phát hoang bụi rậm, khơi thông cống rãnh trên các tuyến đường phụ nữ tự quản, khu dân cư, chợ với 37.039m đường, 15.582m mương cống rãnh, phát 321 túi xách sinh thái thay túi nylon, trang bị cho 270 hộ ở trọ giỏ rác hợp vệ sinh, xóa bỏ 600 mẫu quảng cáo sai quy định...

Việc làm thì nhiều, ý nghĩa mang lại cũng lớn, nhưng trao đổi với chúng tôi, các chị trong hội vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Bởi những hạn chế việc phân loại rác thải tại nguồn chưa đến nơi đến chốn, hình thức tuyên truyền chưa được thường xuyên trong cộng đồng nên ít nhiều chưa tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Khắc phục những tồn tại và vì một môi trường phát triển bền vững, các cấp Hội LHPN ở Bình Dương sẽ tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình BVMT đồng thời với việc đẩy mạnh công tác truyền thông bằng mọi cách.

 

 HOÀNG ÁI

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=643
Quay lên trên