Các doanh nghiệp xuất khẩu: Cần nâng tầm để cạnh tranh

Cập nhật: 05-07-2013 | 00:00:00

Mặc dù tình hình kinh tế hiện đã được cải thiện, xuất nhập khẩu có chiều hướng thuận lợi, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ và các giải pháp chỉ đạo điều hành của địa phương đã triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD); nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) vẫn còn gặp khó khăn, do đó, cần có những hướng đi mới, hiệu quả hơn.

Giày da, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất giày da của Công ty Thái Bình Shose

Nhiều khó khăn…

Do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy SXKD của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DNXK vẫn không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Bình Dương, cho biết: “Khi Việt Nam hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì các nước phát triển khác đã đi trước một bước về mọi mặt. Hiện cơ sở pháp lý của Việt Nam chưa vững và chưa theo kịp với tình hình kinh tế đã và đang diễn ra. Trong bối cảnh khó khăn sự cạnh tranh càng khốc liệt và cần phải phát triển hệ thống pháp lý đủ vững để không bị ảnh hưởng khi áp dụng hàng rào kỹ thuật”. Cũng theo ông Xô, các DNXK còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu DN phải mua giá cao, đã vậy lại phải bán giá thành sản phẩm thấp. Do đó, các DNXK vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với các nước xuất khẩu trên thế giới.

Không dừng lại ở những khó khăn trên, đối với chính các DN có quy mô nhỏ, không đáp ứng được những yêu cầu của những khách hàng lớn. Đa số các DN này chưa có những design mẫu mà phải phụ thuộc vào mẫu mã do khách hàng đưa. Bên cạnh đó, trong vấn đề bảo vệ môi trường, Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ các DN trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất. Do vậy, DN cũng gặp không ít khó khăn về đầu tư, xây dựng hệ thống này.

Mặc dù địa phương đã triển khai các chủ trương, giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ cho SXKD như hỗ trợ thị trường, xử lý nợ xấu, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế… song việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện của các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời. Do đó, hoạt động SXKD của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn.

Những biện pháp cần

 “Tình hình kinh tế đang khôi phục và từng bước phát triển, điều này đã đánh giá đúng với thực tế. Trong 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Bình Dương đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ đã thể hiện tính ổn định của nền kinh tế tỉnh nhà” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp của Bình Dương có mức tăng trưởng khá. Tình hình xuất khẩu có chiều hướng thuận lợi, lãi suất ngân hàng giảm, giá nguyên vật liệu ít biến động, các thị trường xuất khẩu chủ yếu như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần phục hồi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty THHH Nam Bình, cho biết: “Hiện nay khách hàng đang chuyển dần các đơn hàng lớn từ Trung Quốc về Việt Nam. Một mặt, Trung Quốc không thiết tha làm những sản phẩm thu nhập thấp. Mặt khác, sản phẩm của Trung Quốc chỉ làm tốt vài đơn hàng đầu, sau đó chất lượng sản phẩm giảm nên khách hàng của Trung Quốc không mặn mà nữa mà quay vào đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn”.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Xô cho biết: “Thị trường truyền thống của Việt Nam tương đối tốt. Hiện các DN sản xuất đang nỗ lực bắt tay nhau, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu và đồng thời giới thiệu cho nhau về thị trường để cùng tồn tại, cùng chia sẻ khó khăn”. Ông Xô nhận định: “ Thị trường truyền thống còn phát triển được từ 10 - 15 năm nữa và các đơn hàng sẽ tăng từ 10 - 15%”. Đối với thị trường mới, hiện một số nước châu Âu, Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, điều đó sẽ tạo sự thuận lợi cho xuất khẩu”.

Chia sẻ với chúng tôi về biện pháp để cùng tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Xô cho biết: “Nhà nước nên xây hệ thống pháp lý trước, từng địa phương hỗ trợ DN bằng cách đưa các bộ tiêu chuẩn cho từng mặt hàng. Thành lập Ban dự báo về những khó khăn thuận lợi, đặc biệt, lường trước được áp dụng hàng rào thuế quan của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, mỗi địa phương nên xây dựng một trung tâm xử lý chất thải bảo vệ môi trường, giúp DN yên tâm đầu tư. Mặt khác, nên có một trung tâm cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất để giảm bớt tính phụ thuộc nước ngoài cũng như giảm giá thành sản phẩm”. Còn theo ông Vũ “Nhà nước nên duy trì đầu vào cho DN, phải có quy hoạch cho từng ngành và nâng cao vai trò của hiệp hội”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một DN muốn phát triển trước hết đòi hỏi “bản thân” của DN đó phải tự mình nỗ lực, đầu tư có bài bản. Làm chủ các thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, sáng tạo ra những mẫu thiết kế để có thể bán cho khách hàng. Đặc biệt, các DN cần phải xây dựng riêng cho mình một thương hiệu, phải tinh gọn bộ máy từ bộ phận điều hành đến công nhân nhằm tăng năng suất lao động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải tổ chức nhiều các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với DN, đại diện các Hiệp hội DN, ngành hàng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư.

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.901 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,7%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá so với cùng kỳ như sản phẩm gỗ tăng 1,2%, hàng dệt may tăng 7,1%, hàng giày da tăng 5,4%; thủ công mỹ nghệ tăng 5,9%.

 

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=591
Quay lên trên