Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những giá trị soi đường sự nghiệp đổi mới

Cập nhật: 20-08-2013 | 00:00:00

Những giá trị vĩnh hằng

 (Tiếp theo kỳ trước)

Gần 7 thập niên trôi qua kể từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám (CMT8), đặc biệt là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh, dân tộc Việt Nam tạo nên vóc dáng tự hào, ngời lên những phẩm chất, tinh hoa của dân tộc ngàn năm văn hiến, của Đảng chân chính cách mạng-Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Từ một đất nước bị nước ngoài xâm chiếm, từ một dân tộc nô lệ, dân tộc Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, ngày càng có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

  Biểu tình cướp chính quyền ngày 19-8-1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ (ảnh tư liệu)

Trải qua gần 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Mục tiêu chủ đạo của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “… Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong giai đoạn mới, thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân ta cần nắm vững thời cơ, tranh thủ và phát huy mọi thuận lợi, tỉnh táo và sáng suốt trong nhận diện nguy cơ, thách  thức, phát huy truyền thống vinh quang, nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử của CMT8 khi hoạch định và lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối cách mạng trong giai đoạn mới.

 Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nhanh chóng giành thắng lợi là kết quả của sức mạnh khối toàn kết toàn dân được Đảng phát huy cao độ trong Mặt  trận Dân tộc thống nhất. Đảng đã  xuất phát từ chính lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp, đưa nhân dân ra trận tuyến đấu tranh. Chủ trương “phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, tạo nên một cao trào cách mạng mạnh mẽ chưa từng thấy, không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà còn mang nội dung chính trị sâu sắc. Đó là hình thức hợp nhất lúc bấy giờ để tập hợp, phát động, động viên đông đảo quần chúng, tiến lên Mặt trận cách mạng. Mặt khác, nhìn vào thành phần lực lượng quần chúng tham gia CMT8, dễ thấy chẳng những  có công nhân, nông dân mà còn  có đại địa chủ, quan lại của triều đình, đại diện các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số…

Trong quá trình lãnh đạo cách  mạng, nhân dân là nền tảng lực  lượng của Đảng. Đảng tồn tại, trưởng thành và phát triển trong phong trào cách mạng của quần chúng. Đó là nguyên tắc trong xây dựng Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của bản thân Đảng và phong trào cách mạng của dân tộc. Liên hệ mật thiết với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng và cũng là cội nguồn sức mạnh của Đảng trong suốt 83 năm qua. Sức mạnh CMT8 là sức mạnh của toàn dân Việt Nam có tổ chức, có lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản, trong mọi nhận thức và hành động luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của  quần chúng, chứ không phải là  sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của  nhân dân”, lấy dân làm gốc, đem  sức dân, lực dân, tài dân vì mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của CMT8 là thắng lợi của sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân. Đó là kết tinh tinh thần, khí thế cách mạng ở trình độ cao hơn các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, biến thành sức mạnh vật chất khổng lồ của hàng triệu quần chúng nhân dân, vì mục tiêu giải phóng và phát triển.

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đặt ra cho toàn Đảng và dân tộc ta nhiều vận hội mới, thời cơ mới, nhưng cũng đan xen nhiều thử thách, khó khăn; là cuộc vận động có tính cách mạng. Hơn lúc nào hết, Đảng phải phát huy được sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi tầng lớp xã hội vào cuộc chiến đấu xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thành công sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào chính nhân dân - người chủ - vào khối đại đoàn kết vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn, bao gồm cả trong nước và ngoài nước, bạn bè khắp nơi trên thế giới. Những bài học đổi mới do các đại hội của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn có giá trị, trong đó có bài học “Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo… đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia”.

68 năm trôi qua nhưng CMT8 năm 1945, với giá trị bất diệt vẫn đang tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhớ về Mùa Thu Tổng khởi nghĩa càng khiến chúng ta vững tin về Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, để tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được mở ra từ CMT8 vĩ đại.

 TS. ĐỖ XUÂN TUẤT (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên