Cần phát huy sức mạnh tổng hợp

Cập nhật: 09-03-2012 | 00:00:00

Theo nhận định của Ban chỉ đạo (BCĐ) 127 tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu (BL), sản xuất, kinh doanh hàng giả (SXKDHG) và gian lận thương mại (GLTM) năm 2011 vừa diễn ra mới đây, thời gian qua tuy công tác đấu tranh chống buôn lậu, SXKDHG và GLTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa bị đẩy lùi triệt để và có chiều hướng diễn biến phức tạp với các các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn...   Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy nước giải khát nhập lậu

Muôn hình vi phạm

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Huỳnh Đình Trí cho biết rất nhiều DN lợi dụng cơ chế mở để lấy tiền từ ngân sách. Điển hình trong năm 2011, DNTN Bình Phương (phường Phú Lợi, TX.Thủ Dầu Một), chuyên kinh doanh vận tải, xăng dầu đã bị truy thu số tiền thuế trên 864 triệu đồng vì đã có hành vi lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất không đúng với thực tế chuyển nhượng để trốn thuế TNDN, thuế GTGT và lệ phí trước bạ. Một trường hợp khác cũng bị ngành chức năng cưỡng chế thu hồi số tiền thuế và phạt trên 642 triệu đồng là Công ty TNHH Gia Lộc Phú. Nguyên nhân là do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai khấu trừ số tiền thuế lên đến gần 637 triệu đồng. Theo ông Trí, thủ đoạn thường gặp của các DN hiện nay là lợi dụng việc sử dụng hóa đơn tự in để gian lận thuế, lấy hóa đơn của đơn vị khác để tẩy xóa, ghi hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào; lấy hóa đơn đã sử dụng của đơn vị khác để tẩy xóa xuất cho đơn vị mua hàng... Thực tế cho thấy, một số DN không hề “tự nguyện” thực hiện nghĩa vụ về thuế nếu không có sự thanh tra, kiểm tra của ngành hữu quan và  ngân sách Nhà nước đã thất thoát không ít bởi những DN “lém lỉnh” này.

Tiến trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành hải quan khi thủ đoạn gian lận của các DN XNK ngày càng tinh vi. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng nhìn nhận, tình trạng GLTM vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc đã được phát hiện với quy mô lớn. Các DN vi phạm hầu hết là DN Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hoặc các DN ngoài tỉnh có hoạt động XNK tại Bình Dương... Các DN này đã lợi dụng gia công hàng xuất khẩu dưới hình thức tạm nhập tái xuất để đưa nguyên liệu, sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế. Một số DN thì không thực hiện khai báo hải quan khi thực hiện hợp đồng với đối tác thứ ba, nhập hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, khai sai định mức, vi phạm các quy định về thăm dò khai thác tài nguyên... Theo ông Dũng, tình hình XNK trên địa bàn tỉnh năm qua diễn biến phức tạp hơn so với năm trước. Trong năm tổng cộng có 615 vụ vi phạm về thủ tục hải quan, 54 vụ vi phạm GLTM.

Khác với trước đây, hàng nhái hàng giả chỉ dừng lại ở những sản phẩm đắt tiền như rượu ngoại, hàng điện máy thì nay hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở đủ nhóm hàng từ túi xách đến băng đĩa nhạc, phân bón và cả những mặt hàng có liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng...

Phải chống tốt hơn  

Trong năm qua, hoạt động của BCĐ 127 tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Theo đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, mua bán, tàng trữ các mặt hàng như gỗ, động vật hoang dã quý hiếm trái pháp luật; thị trường hàng hóa trên địa bàn cơ bản ổn định, không xảy ra những phát sinh phức tạp. Tuy nhiên, theo các thành viên BCĐ 127 tỉnh, công tác đấu tranh chống BL, SXKDHG và GLTM mặc dù đã được Nhà nước, Chính phủ quan tâm sát sao nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân là do các quy định, chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng chống BL, GLTM cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác chống BL, SXKDHG và GLTM trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010-2015, BCĐ 127 tỉnh đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2012 bằng các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, các giải pháp được nhiều thành viên BCĐ nhất trí cao là tăng cường công tác điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm BL, SXKDHG và GLTM; giải quyết dứt điểm và xử lý nghiêm những DN cố tình trốn thuế, tồn đọng thuế; tăng cường kiểm tra kiểm soát VSATTP...

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn nêu trên không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà là của cả cộng đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, đấu tranh với những tội phạm kinh tế là cuộc chiến cam go, không đơn giản, bởi một số trường hợp vi phạm bị bắt giữ chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. “Chúng ta cần nghiên cứu để đưa ra những hình thức xử phạt thích đáng, cái gì bất lợi cho Nhà nước, có hại cho dân đều phải chống với tinh thần trách nhiệm cao nhất và mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, không thể xem nhẹ công tác nắm tình hình ở những điểm, vùng được coi là nóng về BL, SXKDHG và GLTM. Do đó, để công tác này thực sự đạt hiệu quả, phải có sự tham gia tốt của nhiều thành phần, từ nhà sản xuất đến lực lượng chức năng và của các tầng lớp nhân dân. Việc tích cực phát hiện những đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật là những biện pháp đắc lực nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, DN kinh doanh chân chính và thương hiệu Việt Nam”, ông Liêm nói.

Năm 2011, các ngành chức năng đã kiểm tra 29.112 vụ, phát hiện và xử lý 10.086 vụ vi phạm, trong đó có 228 vụ buôn lậu, hàng cấm; gần 170 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, đo lường, sở hữu trí tuệ và 9.629 vụ GLTM và các vi phạm khác. Tổng số tiền phạt các vụ vi phạm nói trên là 256,535 tỷ đồng...

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=217
Quay lên trên