Cảnh giác với dịch bạch hầu

Cập nhật: 19-07-2016 | 08:31:46

Lo ngại quy mô bệnh có thể lan rộng sau khi có 3 người tử vong và hơn 45 người nhập viện vì bệnh bạch hầu, ngày 15-7, UBND tỉnh Bình Phước đã quyết định công bố dịch bạch hầu cấp huyện tại huyện Đồng Phú. Cùng với việc công bố dịch bạch hầu, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu ngành y tế giám sát chặt các ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ và theo dõi diễn biến của dịch, không để phát sinh vùng dịch mới. Bình Dương là tỉnh giáp ranh với huyện Đồng Phú, nơi phát sinh ổ dịch bạch hầu, nên không thể lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng.

Bệnh bạch hầu từng được ví như “kẻ treo cổ”, gây ra nỗi ám ảnh chết chóc kinh hoàng cho toàn châu Âu vào thế kỷ 17. Đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do khuẩn bạch hầu gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ và một số người lớn không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang khuẩn khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và dẫn đến tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và lan rộng, Bộ Y tế và Viện Pasteur TP.HCM cũng đã cử các đoàn công tác hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bình Phước. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã đồng ý xuất 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho tỉnh Bình Phước nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, không để lan rộng ra cộng đồng. Tuy nhiên, một người từ tiêm chủng cho đến khi có miễn dịch phải mất một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, biện pháp khoanh vùng dập dịch và truyền thông phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng là vô cùng cần thiết vào thời điểm này.

Bình Dương là tỉnh giáp ranh với huyện Đồng Phú, nơi phát sinh ổ dịch bạch hầu, nên không thể lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh. Bệnh bạch hầu có thể dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp, nên việc qua lại thăm viếng, mua bán, làm ăn của người dân tại vùng giáp ranh có thể là điều kiện để mầm bệnh lan rộng. Do vậy, ngành y tế Bình Dương cần có biện pháp đối phó để ngăn chặn dịch. Thiết nghĩ, trước tiên ngành y tế Bình Dương cần khuyến cáo người dân huyện Phú Giáo, đặc biệt là người dân đang sinh sống tại các xã giáp ranh với vùng dịch của tỉnh Bình Phước, nâng cao ý thức tự phòng tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế Bình Dương cần chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để kịp thời vào cuộc khi phát hiện có ca bệnh bạch hầu xuất hiện. Cùng với công tác ứng phó trực tiếp nói trên, ngành y tế Bình Dương cũng cần đẩy mạnh công tác tiêm phòng và truyền thông dịch bệnh.

Về phía người dân, để ngăn chặn căn bệnh từng gieo rắc nỗi ám ảnh chết chóc kinh hoàng của nhân loại lan rộng, nếu không thật cần thiết thì không nên đi vào vùng có dịch, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng. Khi thấy có những biểu hiện của bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Có như vậy thì “kẻ treo cổ” mới không có điều kiện để quay trở lại gieo rắc cái chết.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=683
Quay lên trên