Chương trình bán hàng bình ổn giá: Nỗi lòng ba bên

Cập nhật: 23-11-2012 | 00:00:00

Bình ổn giá (BOG) là chương trình có tính nhân văn cao của Nhà nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) khi lạm phát gia tăng, được NTD hoan nghênh. 10 tháng đầu năm 2012, dù ngân sách khó khăn, UBND tỉnh vẫn cho vay ưu đãi 0% BOG các mặt hàng phục vụ năm học mới. Một số công ty tuy không được vay vốn ưu đãi, vẫn thực hiện bán hàng BOG một số mặt hàng thiết yếu như đã cam kết. Nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, chương trình rất cần có tiếng nói chung của cả 3 bên: NTD, doanh nghiệp (DN) và ngành chức năng. 

 Gian hàng bình ổn giá tại Nhà sách Dĩ An

Nỗi lòng của dân

Mấy năm gần đây, khi mọi thứ đều tăng giá, chương trình bán hàng bình ổn giá đã phần nào “hà hơi, tiếp sức” giúp NTD vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi nói về chương trình này, các bậc phụ huynh học sinh nghèo đều rất cảm kích, bởi nhờ có chương trình BOG mà các mặt hàng sách vở, dụng cụ học tập cho con em vào đầu năm học mỗi thứ giảm giá một ít, giúp họ vơi bớt gánh nặng. Còn các chị Nguyễn Thị Mến, ấp Bà Đã, Tân Định, Tân Uyên; Lê Thị Hồng Hoa, ấp Thị Tính, Long Hòa, Dầu Tiếng; Nguyễn Thị Thu, Phước Vĩnh, Phú Giáo đều ao ước: “Phải chi có thêm nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng BOG trong các phiên chợ vui và phiên chợ kéo dài ngày bán hơn để chị em đỡ khổ”. Từ các phiên chợ vui được mở ra, các chị ao ước chợ xã quê mình hay tiệm tạp hóa xóm mình cũng bán hàng BOG để ngày nào cũng được mua hàng giá rẻ thì còn gì bằng!

Cùng suy nghĩ như các chị, nhưng ngặt nỗi không có tiền để mua sắm khi phiên chợ vui được mở ra, nên một số công nhân kiến nghị, Ban tổ chức các phiên chợ vui nên để ý đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp vào đúng dịp công nhân lĩnh lương thì họ mới có điều kiện để mua sắm hàng giá rẻ.

Mong muốn của DN

Do tình hình ngân sách năm nay gặp khó khăn, nên vốn vay ưu đãi dành cho chương trình rất hạn chế, một số mặt hàng BOG tuy đã được đưa vào chương trình nhưng do không có nguồn vốn để trang trải nên đành chấp nhận “giao khoán” cho DN tham gia chương trình. Tuy vậy, các đơn vị tham gia chương trình như Công ty TNHH Sài Gòn Bình Dương, Công ty TNHH Đông Hưng, Công ty TNHH VinatexMart và Công ty Cổ phần TM-DV&ĐT Thủ Dầu Một… tuy không vay được vốn ưu đãi nhưng vẫn thực hiện bán hàng BOG tại hệ thống các siêu thị như đã cam kết với ngành chức năng. Tính đến 30-10-2012, giá trị hàng hóa bình ổn mà các DN này đã thực hiện được là 92,6 tỷ đồng trên tổng doanh thu 723,3 tỷ đồng.

Không chỉ bán hàng BOG tại chỗ, một số đơn vị còn tích cực đưa hàng về phục vụ NTD nông thôn. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TM-DV&ĐT Thủ Dầu Một, cho biết công ty đã kết hợp với huyện Dầu Tiếng tổ chức bán hàng BOG tại 11 nông trường cao su của huyện. Tương tự, ông Trần Hoàng Kim Quy, Giám đốc khu vực miền Đông Công ty VinatexMart, cho biết từ đầu năm đến nay đã thực hiện 70 chuyến đưa hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa ở các huyện Bến Cát, TX.Dĩ An, TX.Thuận An… để phục vụ NTD.

Đối với chương trình BOG trước trong và sau tết, các công ty tham gia BOG đang chờ được giải ngân vốn vay ưu đãi để nhập hàng. Ông Trần Hoàng Kim Quy cho biết VinatexMart đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ đồng phục vụ mùa tết. Còn bà Võ Thị Ánh Nga, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng, thì phấn khởi cho biết việc giải ngân vốn vay ưu đãi BOG mùa tết năm nay có hướng mở hơn so với năm trước giúp DN chủ động và thuận lợi hơn trong việc nhập và bán hàng bình ổn phục vụ tết. Để có thể phục vụ tốt NTD năm nay, mong muốn của các DN tham gia chương trình là có nguồn vốn vay ưu đãi càng sớm càng tốt.

Và, ngành chức năng

Nói về vốn ưu đãi phục vụ chương trình BOG năm 2012, ông Phan Văn Chiến, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư và Phát triển (ĐT-PT), đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ cho vay BOG, cho biết 2 DN được vay vốn ưu đãi phục vụ năm học mới đã hoàn trả đầy đủ trong tháng 10-2012. Riêng vốn vay ưu đãi dành cho các DN BOG dịp tết, Quỹ sẽ sớm giải ngân theo kế hoạch tỉnh giao, căn cứ vào bản đăng ký các mặt hàng tham gia bình ổn của các DN. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, chúng tôi sẽ kiểm tra chứng từ, hóa đơn, mục đích sử dụng vốn và bán hàng đúng giá niêm yết…”, ông Chiến nói.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương và các ngành chức năng đã chỉ đạo các DN dự trữ một số nhóm hàng thiết yếu trong dịp tết như gạo, trứng, thịt, thủy hải sản, đường, dầu ăn, bột ngọt, thực phẩm chế biến, rau củ… Sở Tài chính và Sở Công Thương cũng vào cuộc định giá các mặt hàng này thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% ngay cả khi có biến động giá trên thị trường. Hiện Quỹ ĐT-PT đang tích cực giải ngân vốn vay ưu đãi để các DN sớm triển khai chương trình. Tất cả các ngành liên quan đang tích cực thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch để NTD, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, nông dân được thụ hưởng trọn vẹn chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này của Nhà nước.

 BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=249
Quay lên trên