Công nhân lao động thi đua sáng tạo

Cập nhật: 02-07-2016 | 08:08:58

Dù khác nhau về công việc nhưng những công nhân lao động (CNLĐ) trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động tỉnh lại có chung một đặc điểm say mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật giúp công ty tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao giấy khen cho CNLĐ giỏi sáng tạo do Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương tổ chức

 Phát huy sáng kiến phục vụ sản xuất

Chị Đặng Hồng Loan, Trưởng bộ phận cắt Công ty TNHH Triumph International Việt Nam là nhân viên ưu tú. 23 năm gắn bó với bộ phận cắt, chị Loan đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt từ tháng 8-2015, nhờ sáng kiến của chị mà phòng cắt đã có thể tự sản xuất dây vai ép bằng keo cung cấp cho các dòng sản phẩm mới. Nhờ sáng kiến này công ty đã không cần phải nhập thêm dây chuyền ép từ châu Âu. Từ đó đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho công ty.

Cùng với sáng kiến của chị Loan, những sáng kiến của chị Lê Thị Anh Thy, Tổ trưởng bộ phận sản xuất luôn phát huy hiệu quả trong sản xuất. Với vai trò làm chủ trong sáng kiến, chị đã tổ chức, phối hợp chặt chẽ với phòng kế hoạch và phòng bảo trì để nâng cao sản lượng thông qua việc chỉ đạo các tổ trưởng may. Chị liên lạc và làm việc trực tiếp với đội ngũ chất lượng, tạo điều kiện cho chị em công nhân may đạt năng suất cao, có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Sự nhiệt tình trong công việc của chị đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2015, năng suất của bộ phận do chị quản lý đã chạm mức 80%, vượt 8% so với định mức công ty đưa ra. Đến quý I-2016, con số này đã lên 84,52%, cao hơn 12% so với năm trước. Trên cơ sở thiết bị công nghệ sẵn có, chị phối hợp với bộ phận thợ máy thiết kế thêm một pha nữa chạy song song, tăng gấp đôi sản lượng ép dây vai (từ 1.000 lên 2.000 cặp dây vai). Sáng kiến này đã giúp công ty giảm chi phí đầu tư, đáp ứng đơn hàng của khách, góp phần vào sự phát triển công ty.

Để tiết kiệm chi phí thường thuê sẵn dịch vụ nấu ăn để phục vụ CNLĐ, anh Vũ Văn Duy, quản lý bếp ăn Công ty TNHH Giày Thông Dụng cũng có sáng kiến giúp công ty tự nấu với giá trị suất ăn 15.000 đồng/suất có chất lượng, chi phí thấp. Ngoài ra, để hạn chế tối đa vấn đề an toàn thực phẩm, anh đã cho ý kiến thay đổi dụng cụ nấu nướng, sử dụng bếp điện, lắp đặt quạt hơi nước làm mát ở khu vực nhà ăn. Do là người của công ty nên anh Duy hiểu tương đối tốt khẩu vị của đa số anh em công nhân. Bữa ăn do anh tổ chức luôn bảo đảm đủ chất, dinh dưỡng, hợp khẩu vị, góp phần tái tạo sức lao động của CNLĐ.

Và bảo vệ môi trường

Sự sáng tạo, nhiệt huyết và cái tâm với nghề đã thôi thúc CNLĐ trên địa bàn đưa ra nhiều sáng kiến không chỉ mang lại nguồn lợi trước mắt mà còn bảo đảm cho sự phát triển vững bền của doanh nghiệp nhờ thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Là người dày dạn kinh nghiệm, anh Đoàn Thanh Khiết, công nhân chế biến, Nhà máy chế biến mủ cao su Cuaparis - Xí nghiệp Cơ khí chế biến và xây dựng Bình Dương đã đạt được nhiều thành tích. Trong năm qua, anh năng động sáng tạo ra 2 sáng kiến bảo vệ môi trường. Là một đơn vị chuyên chế biến mủ cao su, vấn đề tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Nắm rõ quy trình vào ra của nguồn nước, anh đã lắp đặt mạch điều khiển tự động tắt nguồn các máy bơm nước, tránh để tràn hồ chứa. Ngoài ra, anh còn lắp đặt đường ống dẫn hồi nước về hồ chứa từ nguồn nước làm mát máy ép kiện (trước đây nguồn nước này xả về hồ nước thải), mỗi ngày tiết kiệm trên 10m3 nước. Sáng kiến này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường, tận dụng và xử lý nước thải một cách khoa học, bài bản.

Cũng trong lĩnh vực liên quan đến cao su, anh Lê Quốc Duy, nhân viên quản lý chất lượng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa đã xây dựng “Quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh”. Quy trình này giúp công ty thu lợi khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu các tác động đến môi trường và tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Kế đến anh còn đưa ra sáng kiến giúp nâng cao tỷ lệ sản phẩm cao su SVR 20 sản xuất từ nguyên liệu mủ dây đạt TCVN 3769:2004 cho xuất khẩu. Các quy trình sử dụng nước trong chế biến cao su luôn được anh chú ý để giảm thiểu tác hại đến môi trường. Từ đó, anh đã tách và tái sử dụng nước mủ tạp để tiết kiệm chi phí xử lý nước thải, giảm chi phí khai thác nước ngầm, giảm chi phí thuế tài nguyên, khoảng 90 triệu đồng mỗi năm.

Có thể thấy, năng lực sáng tạo trong CNLĐ là rất lớn. Tận dụng được nguồn lực này, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ nâng cao lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất và hơn hết bảo đảm cam kết bảo vệ môi trường.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên