Công nhân miệt mài học tập, nâng cao trình độ

Cập nhật: 07-05-2016 | 08:06:18

Tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ tay nghề là một phần trong chuỗi hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ). Việc làm có ý nghĩa này đã góp phần nâng cao trình độ hiểu biết của CNLĐ ở Bình Dương, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 CNLĐ tham gia khóa học đào tạo tin học miễn phí tại Trung tâm Internet thanh niên

 Tăng ca đến 19 giờ… vẫn đi học

Dù phải tăng ca, làm việc đến 19 giờ nhưng tối nào cũng vậy, chị Nguyễn Thị Lệ, công nhân Công ty TNHH Viet Giai Hân cũng tranh thủ đến Trung tâm Internet thanh niên để ôn lại bài vànếu có bài tập chưa hiểu, chưa làm thì chị có thể hỏi mọi người. Đúng 20 giờ, lớp phổ cập tin học miễn phí cho thanh niên bắt đầu. Nhiều thanh niên ở xa hay phải tăng ca cũng cố gắng đến lớp cho kịp giờ học. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lệ cho biết: “Đi làm về mệt chỉ muốn nghỉ, nhưng mình không muốn bỏ qua cơ hội được học tin học miễn phí này. Không chỉ học để biết, mình mong muốn học thêm lấy bằng để có thể xin được một công việc văn phòng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình”.

Đáng khâm phục hơn, nhiều CNLĐ đến với lớp học để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Anh Lê Văn Đức, quê Nghệ An trong bộ quần áo công nhân màu nâu đen lem luốc bụi bẩn sau một ngày lao động mệt mỏi nhưng vẫn tươi cười nói: “Mình đi làm về ngang qua, biết ở trung tâm đang dạy phổ cập tin học miễn phí cho thanh niên công nhân (TNCN), mình ghé lại xem. Ngày mai, mình sẽ đi đăng ký để được học”. Chị Nguyễn Thị Cúc, công nhân Công ty TNHH Long Huei đang theo học lớp tin học miễn phí cho biết: “Mình mong có thêm nhiều lớp học như thế này để TNCN chúng mình được học tập, hiểu biết, nâng cao kiến thức và có nhiều lựa chọn tốt hơn trong công việc”.

Không chỉ những trung tâm tin học, đến với các trường nghề, trường cao đẳng, đại học vào buổi tối, dễ dàng bắt gặp những bạn học viên khoác trên mình trang phục của công ty chăm chú ngồi nghe thầy, cô giảng bài. Họ đến với lớp học sau buổi tăng ca, tuy khá mệt nhưng ai cũng đặt cho mình mục tiêu học tập để nâng cao trình độ, tay nghề vàcó được việc làm ổn định, lương cao. Chị Đoàn Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng nói: “Mình không có sức khỏe nên không thể mãi làm công nhân”. Vì vậy sau giờ tăng ca (khoảng 18 giờ), chị Hiền ăn vội miếng bánh lót dạ và chạy thẳng đến trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Bình Dương để tham gia học lớp kế toán - kiểm toán. Ngoài lớp học này, chị còn học thêm tiếng Hoa, rèn luyện khả năng nói, giao tiếp để phục vụ tốt hơn cho công việc.

Bên cạnh nhu cầu học tập của chính người lao động (NLĐ), nhiều doanh nghiệp thấy được ý nghĩa của việc nâng cao trình độ, nên đã tạo điều kiện cho CNLĐ đến trường. Anh Vũ Quốc Huy, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Showa Gloves VN (Khu công nghiệp VSIP I) cho biết, công ty rất quan tâm, khuyến khích NLĐ học tập nâng cao trình độ tay nghề. Những công nhân nào mong muốn được đi học, công ty đều tạo điều kiện về thời gian để họ chủ động. Ngoài ra mỗi năm, công ty đều cho những công nhân giỏi qua Nhật Bản đào tạo 6 tháng để nâng cao tay nghề. Sau khi về nước, họ có được công việc tốt vàmức lương cũng cao hơn. Hay tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Far Eastern Apparel VN, nhiều CNLĐ muốn được học thêm tiếng Hoa, nên sau giờ tan ca công ty đã mở thêm lớp học tiếng này ngay tại công ty.

Phấn đấu 90% CNLĐ được đào tạo

Xuất phát từ thực tiễn, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Để đạt được mục tiêu đề án, trước mắt, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) tích cực tham gia học tập, nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, kỹnăng nghề nghiệp, tác phong lao động. Song song đó, phong trào học tập suốt đời cũng được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có70% CNLĐ trong các doanh nghiệp nói chung và 80% CNLĐ làm việc trong các KCN, KCX có trình độ học vấn trung học trở lên, tạo điều kiện cho 80% CNLĐ trong các doanh nghiệp, 90% CNLĐ được đào tạo nghề. Hàng năm, CNLĐ trong các doanh nghiệp được tham gia học ngoại ngữ, tin học; phấn đấu 70% CNLĐ và 100% CNLĐ là đảng viên được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những bài chính trị cơ bản, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 70% CNLĐ nữ được tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Thực hiện đề án, LĐLĐ tỉnh đang khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ về tình hình, nhu cầu học tập; tiến tới LĐLĐ phối hợp cùng với một số sở, ngành tiến hành xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp để phục vụ CNLĐ. Dự kiến mỗi năm lựa chọn trao tặng 1.000 suất học bổng toàn phần, bán toàn phần cho CNLĐ tiêu biểu theo học các lớp đào tạo dài hạn đạt thành tích cao về học vấn, trình độ chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, LĐLĐ nghiên cứu xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp. Mỗi điểm sẽ được trang bị 2 tủ sách học tập, một số báo chí cần thiết, 1 bộ máy vi tính nối mạng internet, 1 bộ tivi và đầu DVD. Hy vọng với mục tiêu đã đềra, LĐLĐ tỉnh cùng một số ngành liên quan sẽ thực hiện thành công và vượt chỉ tiêu đề án đưa ra”.

 KIM HÀ    

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=763
Quay lên trên