Công tác bình ổn giá có chỗ chưa ổn!

Cập nhật: 02-03-2012 | 00:00:00

Bên ly cà phê buổi sáng, ông bạn làm nghề chăn nuôi của tôi phấn khởi: “Phải công nhận công tác quản lý và bình ổn giá dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua là hiệu quả, không xảy ra tăng giá đột biến, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá. Điều này không chỉ làm cho cộng đồng xã hội vui mừng tin tưởng vào chính sách quản lý của Nhà nước mà còn là động lực mạnh mẽ để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn tập trung kiềm chế, kéo giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay. Bên cạnh nhiều thành quả chung đáng khích lệ đã đạt được thì công tác bình ổn giá vẫn còn tiềm ẩn nhiều cái... chưa ổn, mà nguyên nhân chủ quan là do bộ phận tham mưu chưa nắm vững quy luật thị trường, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu có tính chất nhạy cảm đã dẫn đến việc thả lỏng quản lý vào những ngày giáp tết, tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp có cơ hội... đục nước béo cò!”.

Mặt hàng mà anh bạn tôi đề cập là thịt heo. Đây là loại thực phẩm không thể thiếu trong mọi gia đình ngày tết và đã được kiểm soát, ổn định giá rất tốt những ngày trước tết. Các siêu thị, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn giá đã kịp thời cung cấp, phân phối đầy đủ số lượng hàng hóa để người tiêu dùng lựa chọn và ai cũng yên tâm vì giá thịt heo cùng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác không tăng mà ngược lại còn giảm. Ông Võ Hữu Thạch, Giám đốc Siêu thị CoopMart Bình Dương trước đó đã đưa ra nhận định: “Với công tác bình ổn giá, kiểm soát thị trường chặt chẽ thì tình hình giá cả dịp tết sẽ không có biến động lớn”. Thế nhưng, đùng một cái từ 27 tết trở đi giá heo thương phẩm trên thị trường bật lên khi nhà nhà đi sắm tết. Chỉ trong 3 ngày giáp tết, sản lượng tiêu thụ thịt heo trên thị trường đã tăng trên 50% so với sản lượng thịt tiêu thụ cả tháng trước đó. Như vậy, ngân sách bỏ tiền duy trì bình ổn giá mặt hàng này ròng rã hàng tháng trước đó kể như công cốc!

Từ câu chuyện trên bạn tôi kết luận: “Xả cửa cho người nghèo kiếm sống ngày tết là điều không thể nói ra công khai, nhưng với truyền thống nhân văn của dân tộc thì điều này có thể châm chước và sẽ nhận được sự cảm thông của cộng đồng xã hội. Nhưng với câu chuyện trên thì việc “xả cửa” quản lý những ngày giáp tết đã vô tình tạo cơ hội cho các “đại gia” trong ngành chăn nuôi “đục nước béo cò”! Anh này phân tích: “Bây giờ mà hỏi thì ai cũng biết “đại gia” của ngành chăn nuôi Việt Nam chính là CP. Công ty này hiện chiếm trên 60% tổng thị phần cả nước; tổng đàn heo, gà và gia súc khác cũng chiếm trên 60% tổng đàn... Nên khi chương trình bình ổn giá có hiệu lực thì họ thực hiện chiến thuật “án binh bất động”, chờ khi lượng heo, gia súc, gia cầm trên thị trường sắp cạn mới tung sản phẩm ra bán với mức giá mới và một mình hưởng lợi”.

Trong chiến thuật kinh doanh thì tình huống vừa nêu sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, đồng thời cũng rất mạo hiểm nếu như không có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Nhưng với một doanh nghiệp tầm cỡ đa quốc gia vừa nắm vững quy luật thị trường, vừa hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng và cả nhà quản lý như CP thì “một sơ hở nhỏ trong quản lý sẽ là cơ hội kiếm lời lớn của doanh nghiệp”. Từ bài học trên, chúng ta có thể nhân rộng bài học kinh nghiệm để hoàn thiện trong thời gian tới là: “Nếu CP kiếm lợi được từ thịt heo qua công tác bình ổn giá dịp tết vừa qua thì họ cũng sẽ kiếm lợi được qua cái trứng, con gà cùng nhiều món hàng khác nữa nếu như công tác xây dựng chính sách, quản lý còn sơ hở, chủ quan”.

Duy Chí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=232
Quay lên trên