Đánh thức tiềm năng danh thắng núi Cậu 

Cập nhật: 30-11-2015 | 08:19:13

Nếu Bà Nà (Đà Nẵng) được mệnh danh là “đường lên tiên cảnh” thì núi Cậu thuộc địa bàn huyện Dầu Tiếng cũng có những nét tương đồng. Quần thể danh thắng di tích núi Cậu hội đủ các yếu tố: núi non, sông nước, rừng và đền chùa. Nếu khai thác hết tiềm năng, núi Cậu sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái nổi bật của Bình Dương.

 

 Khai thác hiệu quả tiềm năng, khu vực núi Cậu sẽ trở thành khu du lịch sinh thái nổi bật của Bình Dương. Trong ảnh: Khách tham quan một điểm tại hồ Dầu Tiếng. Ảnh: XUÂN THI

Giàu tiềm năng

Quần thể núi Cậu có tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là Cửa Ông cao 295m, tiếp đó là núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và thấp nhất là núi Chúa cao 63m. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng bắc - đông bắc và nam - tây nam.

Núi Cậu được thiên nhiên ưu đãi bao bọc bởi những cánh rừng với nhiều loại gỗ quý như gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng… Bên cạnh đó, những khu rừng bán hoang dã này còn là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật như nai, mễn, heo rừng… Tô điểm cho núi Cậu chính là hồ Dầu Tiếng, như dải lụa mềm mại phản chiếu hình dáng 21 ngọn núi.

 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Dầu Tiếng về chủ trương, chương trình phát triển du lịch ở khu vực hồ Dầu Tiếng vừa qua, ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của khu du lịch sinh thái núi Cậu; đồng thời cho rằng, núi Cậu của Bình Dương và Bà Nà ở Đà Nẵng có nhiều nét tương đồng nhau, rất thích hợp hình thành khu du lịch sinh thái, bán hoang dã. Hiện nay, đường giao thông lên núi Cậu đã được đầu tư bài bản, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. Ông Nguyễn Hữu Từ cũng cho biết, tỉnh sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây nhằm đánh thức tiềm năng du lịch của núi Cậu - hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi lớn với diện tích rộng trên 27.000 ha, chứa 1,5 tỷ m3 nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là hồ nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng, xung quanh hồ là những thảm cỏ xanh mượt, điểm xuyết những đóa hoa khoe sắc tỏa hương. Từ trên núi Cậu nhìn xuống quang cảnh hồ đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Nhìn xa xa là núi Bà Đen nổi tiếng của Tây Ninh thấp thoáng trong làn sương mờ ảo. Trên đỉnh núi Cậu là miếu thờ Cậu Bảy, dưới chân núi là ngôi chùa Thái Sơn - một địa điểm tâm linh nổi tiếng của khu vực phía Nam.

 

 

Đường lên núi Cậu rất đẹp, những cung đường được thảm nhựa ngoằn ngoèo nằm dựa núi và rừng đem lại cảm giác mỗi hơi thở như chạm vào thiên nhiên. Nói núi Cậu giống Bà Nà của Đà Nẵng không hề là một sự so sánh khập khễnh.

Ông Nguyễn Toàn Sang, Chủ tịch UBND xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng cho biết, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng và dịp lễ vía Cậu (ngày 7-5 âm lịch), núi Cậu thu hút hàng ngàn lượt khách từ các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long về trẩy hội. Chỉ riêng những dịp cuối tuần, khách từ Tây Ninh, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh về đây tham quan cũng rất đông.

Sẽ hình thành quần thể du lịch sinh thái núi Cậu

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 2413/QĐ- UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Theo quyết định này, tại núi Cậu sẽ có khu nuôi thả thú rừng theo phong cách tự nhiên với diện tích 6.417m2, khu nuôi dưỡng chăm sóc thú rộng 31.290m2, tổ hợp khách sạn dịch vụ rộng trên 32.000m2, khu vực nghỉ dưỡng cao cấp rộng 37.850m2, khu cắm trại rộng trên 3.000m2 cùng các khu hoạt động thể thao, vui chơi giải trí mặt nước, khu hạ tầng phục vụ văn hóa tâm linh trên núi Cậu, chùa Cậu Bảy, chùa Thái Sơn…

UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng khu danh thắng núi Cậu thành một khu du lịch sinh thái khép kín với đầy đủ dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống…; cùng với đó là các hoạt động thám hiểm rừng, sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trong đó, Công ty TNHH Xuân Cầu có nhiều ý tưởng hay với đề án phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Dầu Tiếng cho biết, việc phát triển du lịch sinh thái, khai thác triệt để lợi thế thiên nhiên ưu đãi từ núi Cậu và hồ Dầu Tiếng chính là mục tiêu quan trọng của huyện trong thời gian tới. Khi khu du lịch hình thành, Dầu Tiếng có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Núi Cậu cũng sẽ giúp tên tuổi Bình Dương nổi bật hơn trên bản đồ du lịch của cả nước.

Theo ông Tô Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cầu - đơn vị chủ đầu tư dự án, núi Cậu trước mắt sẽ hình thành một quần thể du lịch sinh thái khép kín với rừng sẽ nuôi dưỡng các loài thú có móng guốc, các loài thú quý hiếm; hồ Dầu Tiếng sẽ tổ chức các hoạt động thể thao vui chơi mặt nước; bên cạnh đó là các hoạt động thám hiểm rừng, leo núi, sinh hoạt dã ngoại. Trong tương lai, tại đây sẽ hình thành nên các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống nhà hàng, khách sạn đúng tiêu chuẩn quốc tế…

Với đặc thù là vùng chuyên canh cao su của cả tỉnh, huyện Dầu Tiếng đã được định hướng phát triển du lịch, dịch vụ nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, qua đó làm đòn bẩy cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nền tảng mà thiên nhiên đã ưu đãi cho núi Cậu - hồ Dầu Tiếng chính là kho báu mà huyện Dầu Tiếng cần đánh thức và khai thác triệt để tiềm năng này.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1569
Quay lên trên