Dịch heo tai xanh đã được khống chế

Cập nhật: 18-07-2012 | 00:00:00

Ngày 12-6, ổ dịch HTX đầu tiên được phát hiện tại địa bàn xã Lạc An, sau đó lây lan sang các xã Tân Mỹ, Hiếu Liêm, Tân Định, Đất Cuốc của huyện Tân Uyên và các xã Tân Định, Hòa Lợi (huyện Bến Cát); Tam Lập (huyện Phú Giáo). Tính đến ngày 11-7, toàn tỉnh đã có 8 xã trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo xảy ra dịch bệnh HTX với tổng số heo bị nhiễm bệnh là 1.302 con. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo bị nhiễm bệnh theo các quy trình hướng dẫn của Cục Thú y. Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh được xác định là do tỷ lệ lưu hành vi rút tai xanh trên địa bàn tỉnh khá cao (25 - 35% ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ); địa bàn xã Lạc An và Tân Định nằm giáp ranh với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nên có sự lây lan dịch bệnh từ Đồng Nai sang. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 1 tháng xảy ra dịch, tại các xã có dịch không còn phát sinh thêm trường hợp heo bị bệnh tai xanh và dịch bệnh đang từng bước được khống chế, nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.

 Công tác phòng chống dịch được người nuôi heo thực hiện quyết liệt

Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm Bình Dương đã ban hành các kế hoạch và xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh HTX. Cụ thể như chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; quyết định về quy định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Để có thể phòng ngừa dịch bệnh tái phát tại các ổ dịch cũ, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương tiêm phòng vắc-xin tai xanh tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao. Tính đến thời điểm trước khi xảy ra dịch, lực lượng thú y đã tiêm phòng được 7.100 liều tại các khu vực có ổ dịch cũ và có nguy cơ cao. Vì vậy mà đến nay tại các khu vực này không xảy ra dịch bệnh.  Khi xảy ra dịch bệnh UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị tập trung triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. UBND tỉnh cũng đã công bố dịch tại 5 xã của huyện Tân Uyên. Công tác tiêm vắc-xin tai xanh ở heo cũng đã được khẩn trương triển khai tại các địa phương. Tính đến ngày 11-7, đã có trên 63.000 liều vắc-xin tai xanh được tiêm phòng cho đàn heo của các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh với tỷ lệ tiêm phòng đạt 89%. Ngoài ra, các huyện có dịch đã sử dụng 1.633 lít hóa chất sát trùng cho các xã có dịch và lập các chốt kiểm dịch.

Ông Nguyễn Văn Hạng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Uyên, cho biết công tác khống chế dịch tiến triển tốt là nhờ nguồn nhân lực và vật lực đã được trạm thực hiện kỹ càng ngay từ đầu năm; công tác tiêm phòng tại huyện Tân Uyên cũng đã được lực lượng thú y huyện thực hiện triệt để. “Khi nhận được vắc-xin chúng tôi đã tiến hành triển khai nhanh chóng và tiến hành tiêm phòng ngay tại các xã có dịch. Công tác này được chúng tôi thực hiện rất kỹ, thậm chí còn tiến hành tiêm vét tại một số địa bàn. Song song với đó là công tác dập dịch được thực hiện quyết liệt. Nhiều chốt kiểm dịch tạm thời đã được dựng lên để có thể kiểm soát tốt việc vận chuyển heo bệnh, khi phát hiện chúng tôi tiến hành tịch thu và tiêu hủy ngay. Lượng hóa chất cũng được chuẩn bị đầy đủ để sau khi tiêu hủy xong là thực hiện tiêu độc khử trùng ngay”, ông Hạng nói. Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cũng cho biết UBND huyện đã thực hiện dự phòng ngay các kế hoạch phòng chống dịch bệnh và công tác tiêm phòng được thực hiện triệt để vì vậy mà tỷ lệ tiêm phòng tại Phú Giáo đạt trên 97%. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, thậm chí còn được lồng ghép trong các cuộc họp tại các xã, ấp vì vậy mà nhận thức về dịch bệnh trong người dân được nâng cao. Trong thời gian tới Phú Giáo sẽ tập trung thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dịch HTX năm nay có tốc độ lây lan nhanh và có tỷ lệ heo chết cao hơn so với các năm trước đây. Vì vậy mà có thể nói việc khống chế dịch bệnh có hiệu quả, không cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng là cố gắng rất lớn của Bình Dương. Bên cạnh đó việc ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi khi có dịch xảy ra với mức xấp xỉ với giá bán heo trên thị trường đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi hợp tác cùng ngành thú y để tiêu hủy heo mắc bệnh, tránh hiện tượng bán tháo đàn heo làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch heo tai xanh trong thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn như bệnh HTX không nằm trong danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vắc-xin phòng dịch HTX cùng chất lượng lại có giá cả khác nhau tùy khu vực, vì vậy gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc lựa chọn loại vắc-xin nào đạt hiệu quả nhất; việc phòng chống bệnh tai xanh hiện nay chủ yếu vẫn là thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát vận chuyển... trong khi đó việc thực hiện các biện pháp này còn mang tính thụ động.

- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn DIÊP KỈNH TẦN: “Tôi đánh giá cao và biểu dương công tác dập dịch của Bình Dương...”

Tôi đánh giá cao và biểu dương công tác dập dịch HTX của Bình Dương trong thời gian qua. Bình Dương đã tiến hành xử lý nhanh, tập trung, quyết tâm với dịch bệnh. Với đà này tôi khẳng định trong tháng 7 này Bình Dương sẽ hết dịch bệnh HTX. Tuy nhiên, cũng cần rà soát lại các trang trại về công tác tiêm phòng vắc-xin dịch HTX vì dịch bệnh năm nay diễn biến rất phức tạp; nên hạn chế các hình thức chăn nuôi heo nhỏ lẻ...

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM: “Cần thực hiện kiểm soát chất lượng tiêm phòng...”

Công tác tiêm phòng tại các địa phương cần phải được đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần phải thực hiện kiểm soát chất lượng tiêm phòng. Các địa bàn Bến Cát, Thuận An, Dĩ An cần phải thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan. Huyện Tân Uyên thì cần phải thực hiện tốt vấn đề kiểm soát vận chuyển heo cũng như công tác giết mổ. Công tác giám sát tiêm phòng tại các trang trại nuôi heo cần phải được thực hiện kỹ, không chủ quan mặc dù các trang trại rất có ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Trong tương lai, Bình Dương sẽ lên đô thị nên chăn nuôi nhỏ lẻ cần được hạn chế tuy nhiên cũng phải thực hiện theo lộ trình.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên