Doanh nghiệp trong nước nỗ lực vượt khó

Cập nhật: 25-12-2012 | 00:00:00

Năm 2012 có nhiều thách thức về thị trường đầu ra, khó khăn về vốn, giá nguyên phụ liệu biến động khó lường… đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước tại Bình Dương. Thế nhưng, nhờ có chiến lược hợp lý, nhiều DN tại Bình Dương đã vượt qua khó khăn và đạt hiệu quả cao, tạo việc làm ổn định cho lao động (LĐ) và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.  

Hoạt động sản xuất sợi tại Công ty Thiên Nam

Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2012, dù tình hình khách quan không mấy thuận lợi nhưng nhiều DN vẫn đạt kết quả khả quan trong sản xuất - kinh doanh. Nổi bật trong đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực da giày xuất khẩu đã giữ vững việc làm ổn định cho 14.000 LĐ; Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương tạo việc làm ổn định cho hơn 2.500 LĐ; Công ty Minh Long I sản xuất gốm sứ tạo việc làm cho hơn 2.000 LĐ; Công ty Thuốc thú y - Thủy sản Minh Dũng vươn lên cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu; Công ty Thiên Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi với mục tiêu cung cấp nguồn nguyên liệu cho DN dệt trong nước và xuất khẩu... Chính sự nỗ lực đó của các DN đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của khối DN có vốn đầu tư trong nước tại Bình Dương đạt gần 42.921 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2011 và xuất khẩu đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 3,5% so năm trước…

Nhìn lại thị trường ngành chăn nuôi năm qua, dễ dàng nhận thấy có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, nhưng hoạt động của Công ty Thuốc thú y - Thủy sản Minh Dũng vẫn rất ổn định. Nhờ sự nỗ lực xây dựng thương hiệu mạnh, chất lượng cao nên trước hàng trăm thương hiệu của nước ngoài cùng lĩnh vực, người tiêu dùng vẫn tin yêu và chọn lựa sản phẩm của Công ty Minh Dũng. Bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch HĐQT công ty, mặc dù lĩnh vực sản xuất thuốc thú y - thủy sản có sự cạnh tranh gay gắt của nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài nhưng năm 2012 Minh Dũng vẫn tăng trưởng tốt; đặc biệt là công ty xuất khẩu rất hiệu quả và mở rộng thị trường sang 17 quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập, Malaysia, Thái Lan, Oman…

Tại Công ty Thiên Nam, để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần phục vụ ngành dệt may, năm 2012, công ty đã đưa thêm nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 380 tỷ đồng (tương đương 19 triệu USD) đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sợi thứ 4 của công ty được xây dựng trên diện tích 2,1 ha, công suất 40.000 cọc sợi và hàng tháng cung cấp cho thị trường 500 tấn sợi 100% cotton như sợi CM, CD. Nhà máy sợi mới đi vào hoạt động đã nâng công suất 4 nhà máy hiện nay của Thiên Nam tại Bình Dương lên gần 150.000 cọc, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi các loại, trong đó xuất khẩu 80%; đạt tổng doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm ổn định cho 1.600 LĐ với mức lương bình quân 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Nói về kết quả đạt được trong năm 2012, ông Trần Đăng Tường, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam, cho biết năm 2012 công ty đặt ra mục tiêu là hoạt động hết công suất tại 4 nhà máy, phấn đấu tăng trưởng từ 5 - 7% so với năm trước để phục vụ cho ngành dệt may Việt Nam và công ty đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nói về kinh nghiệm để đạt được kết quả khả quan trong tình hình khó khăn như thời gian vừa qua, ông Tường cho rằng DN cần quản lý tốt và xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, nâng cao khả năng quản lý, xây dựng và đào tạo cho công nhân viên, chăm lo tốt cho đời sống công nhân. Có như vậy, DN mới đứng vững và cạnh tranh tốt được. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Long Huỳnh Quang Thanh thì nhấn mạnh, trong tình hình như vậy để DN đứng vững không gì khác hơn là phải có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao; chủ trương cải tiến mẫu mã có tính cạnh tranh, chất lượng, hậu mãi tốt; kiểu dáng phù hợp với thị hiếu của khách hàng; tổ chức bộ máy điều hành và đội ngũ cán bộ gọn nhẹ nhưng làm việc có hiệu quả; tuyển chọn lao động phù hợp với yêu cầu công việc…

Có thể nói, năm 2012 dù mức tăng không cao so với những năm trước đó, nhưng kết quả của khối DN có vốn trong nước như vậy là đáng khích lệ. Dự đoán năm 2013 sẽ còn nhiều thách thức nhưng với sự chuẩn bị kỹ từ phía DN, những kinh nghiệm mà DN đã vận dụng hiệu quả trong năm 2012, cũng như những giải pháp vĩ mô của Nhà nước, hy vọng năm 2013 DN trong nước sẽ tiếp tục vượt qua thách thức.

Cùng với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng có nhiều DN hoạt động rất hiệu quả và có khối lượng vận chuyển tăng cao. Cụ thể, Công ty Cổ phần Vận tải U&I tăng 32,5%; Công ty TNHH Duy Thân tăng 35,4%; Công ty TNHH Vận tải Quỳnh Như tăng 39%; Công ty TNHH Thiên Phú tăng 34,2%; DNTN Tân Thành Đạt tăng 29,5%; DNTN Thương mại dịch vụ Vạn Hạnh Phúc tăng 30,1%... Qua đó, góp phần vào doanh thu vận tải năm 2012 đạt 11.653,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2011.

 

 T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên