Giải pháp để khơi thông dòng vốn

Cập nhật: 22-05-2013 | 00:00:00

Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS), cho thấy trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã có 16.600 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân được chỉ ra là do khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế, kết hợp với những khó khăn về chi phí đầu vào, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho vẫn ở mức cao… Từ đó, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng như tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu tăng cao, dòng vốn không được khơi thông! Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, so với cuối năm 2012 huy động vốn 4 tháng qua tăng 5,34%, trong khi tín dụng chỉ tăng 1,4%. Điều đó cho thấy dòng vốn ngân hàng đang bị ách tắc!

Theo lý giải của Ủy ban Giám sát quốc gia, có hai nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN và tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá. Mức lãi suất cho vay hiện hành phổ biến từ 9 - 12%/năm đối với những lĩnh vực khuyến khích, đối với các lĩnh vực khác phổ biến từ 11 - 15%/ năm. Mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn DN vay vốn đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, dòng vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất thấp.

Dựa vào những phân tích trên, cho thấy tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới còn phụ thuộc lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu. Để khơi thông dòng vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho cả DN và ngân hàng, ở tầm vĩ mô cần có những chính sách kích cầu mạnh mẽ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, trong đó thành lập DN vừa xử lý nợ xấu, vừa bảo lãnh cho các DN có khả năng phục hồi, phát triển nhưng không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng được coi là một giải pháp được chờ đợi.

Tuy nhiên, trước tình hình số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động ngày càng nhiều do khó tiếp cận vốn ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu có nên kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ cho DN theo hướng kéo dài hiệu lực Quyết định 780. Nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo hướng này thì đây quả là tin vui cho DN, bởi nếu dừng hiệu lực Quyết định 780 vào lúc này, các DN không đủ tiêu chuẩn để vay vốn sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Và khi đó, phía các ngân hàng cũng chẳng khác nào “cầm lửa trên tay” khi huy động tăng mà không thể cho vay! Điều này tuy có trái ngược với sự kỳ vọng của các ngân hàng là thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, nhưng đây lại là giải pháp trước mắt để cứu DN và góp phần khơi thông dòng vốn cho hệ thống ngân hàng.

 HÀN NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên