Giải quyết bài toán đẩy lùi giảm phát, tránh lạm phát

Cập nhật: 29-06-2012 | 00:00:00

Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong chính sách điều hành kinh tế - xã hội. Do vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lần đầu tiên đã giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Tuy nhiên, chỉ số CPI chưa biết có thể giữ ổn định đến cuối năm hay không. Do đó, cần có nhiều giải pháp cụ thể từ phía doanh nghiệp (DN) và Nhà nước nhằm hài hòa mục tiêu đẩy lùi giảm phát, tránh lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô.

 Sức mua yếu...

Mặc dù thông tin kinh tế thế giới đang có nhiều điểm sáng, cùng với gói hỗ trợ thị trường và các chính sách vĩ mô khác của Chính phủ nhằm vực dậy và ổn định nền kinh tế đang là tin vui cho cả DN và người dân. Tuy nhiên, nền kinh tế đang có nguy cơ giảm phát là do sức mua giảm, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu. Qua quan sát thị trường tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An... cho thấy sức mua vẫn còn rất chậm. Hơn 11 giờ trưa, sạp vải vốn đắt khách nhất tại chợ Thủ Dầu Một của chị Lê vẫn vắng vẻ. Vừa sắp xếp lại các chồng vải sao cho đẹp mắt để thu hút khách hàng, chị Lê vừa chia sẻ với chúng tôi về sự “ế” bất thường của thị trường. Chị cho biết từ đầu năm đến nay, lượng vải bán ra ngày càng giảm, số người mua cũng thưa thớt. Mặc dù đã bước sang tháng 7, nhưng mỗi ngày sạp vải của chị Lê chỉ bán được vài xấp, chủ yếu là loại vải rẻ tiền, đặt biệt là chưa thấy phụ huynh mua sắm quần áo học sinh cho con như mọi năm. 

Các siêu thị đều tăng cường khuyến mại để thu hút khách hàng nhằm nâng sức mua

Các trung tâm điện máy, điện lạnh, trung tâm thương mại, siêu thị như Trung Thảo, Trung Tín, Thiên Hòa, Thủy Ngân... sức tiêu thụ các mặt hàng tivi, máy giặt, hàng gia dụng, cũng ì ạch, mặc dù các chương trình khuyến mại liên tục được triển khai nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ. Chủ cửa hàng Trung Tín (đường Cách Mạng Tháng 8, TP.TDM), cho biết hiện sức mua khá yếu, tuy đã có biện pháp kích thích thị trường như giảm giá, khuyến mại nhân mùa bóng đá EURO 2012, nhưng hầu như rất ít khách mua. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng chỉ bán được một vài sản phẩm, chủ yếu vẫn là những mặt hàng có giá trị thấp.

Về phía DN sản xuất, chủ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kim Thành A (xã Bình Chuẩn, TX.Thuận An), cho biết sự sa sút của thị trường đồ gỗ trong và ngoài nước vẫn đang là bài toán nan giải đối với DN. Tính đến thời điểm này, thị trường châu Âu vẫn chưa có động thái về đơn hàng mới, còn thị trường trong nước thì sản lượng tiêu thụ giảm đến 50%, mặc dù đã giảm giá bán nhưng cũng khó tiêu thụ được hàng. “Gỗ cao su thành phẩm trước đây có giá 17 triệu đồng/khối, nay hạ xuống chỉ còn 16 triệu đồng/khối nhưng cũng không bán được nhiều. Chúng tôi chấp nhận lỗ để tiêu thụ được sản phẩm nhưng tình hình xem ra vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc”, chủ DN này nói.

 Lạm phát có thể quay lại

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số CPI cả nước giảm 0,26% sau 38 tháng tăng liên tục. Đây là tín hiệu tích cực của việc kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã cố gắng trong thời gian qua. Trưởng phòng Giá và Công sản Vương Văn Năm, Sở Tài chính tỉnh cho biết, thứ nhất do Chính phủ đã hạn chế cung tiền và tín dụng, cùng với việc giảm thuế một số mặt hàng, từ đó mới kéo được giá xuống. Thứ hai, do người dân dè sẻn trong chi tiêu, hàng hóa tiêu thụ chậm nên nhiều DN các ngành hàng đã phải giảm giá hàng hóa bán ra, có mặt hàng giảm giá lên đến 50% nên đã đóng góp vào việc giảm chỉ số giá cả. Cùng với đó, giá xăng dầu trên thế giới giảm, nên giá xăng dầu trong nước cũng giảm, kéo theo các sản phẩm liên quan giảm làm chỉ số giá cả của tháng 6 giảm tích cực.

Ông Vương Văn Năm phân tích, với những gói giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế của Chính phủ như giảm tiền thuê đất, gia hạn thuế sử dụng đất, gia hạn nộp thuế GTGT cho DN... sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới, hiện tại Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chính sách hỗ trợ cho BDS và nhiều biện pháp khác làm tăng cung tiền, nhưng làm như vậy rất có thể sẽ làm cho giá cả tăng trở lại. Thực tế thời gian qua cho thấy, giá một số loại thực phẩm có giảm, cụ thể là gia súc gia cầm nhưng sở dĩ giá giảm là do người dân bán chạy dịch, người nông dân giải quyết việc thương lái Trung Quốc thu gom hàng sau đó bỏ mặc nên họ phải bán tháo. Kết quả phản ứng của người nông dân có thể họ sẽ giảm chăn nuôi và nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào cuối năm sẽ xuất hiện. Lúc bấy giờ lạm phát sẽ xuất hiện, chỉ số giả cả có thể lại tăng lên.

Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết lượng hàng tồn kho của các DN vẫn còn rất lớn. Do đó, để kích thích nhu cầu mua sắm, một mặt các DN cần tăng cường tiếp thị, quảng bá và đưa hàng về nông thôn; tận dụng tối đa điều kiện tiếp cận với bà con vùng xa; tăng cường kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để đẩy nhanh lượng hàng bán ra trên thị trường nội địa. Cùng với đó là thực hiện việc giảm giá hàng hóa bán ra. DN giảm giá mà bán được hàng thì có thể duy trì được hoạt động và tái sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có nghị quyết tăng đầu tư vào xây dựng hệ thống giao thông để tăng tiêu thụ các sản phẩm xi măng và sắt thép, từ đó sẽ làm tăng vòng quay sản xuất trong xã hội. Nếu thực hiện được những điều này thì lượng hàng tồn kho của DN có thể được giải quyết mà vẫn không lo lạm phát quay trở lại.

 

TRÚC HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=275
Quay lên trên