Giảm lãi suất cho vay: Động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 05-10-2013 | 00:00:00

 Với mức độ và tần suất điều chỉnh giảm LS như trên, hiện mặt bằng LS huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm đáng kể. Hệ thống ngân hàng tại Bình Dương đang áp dụng LS tiết kiệm phổ biến ở mức thấp nhất từ 1 - 9%/năm (tùy kỳ hạn); USD từ 0,25% - 1,25%/năm. Hiện tại, để thúc đẩy nhanh tăng dư nợ cho vay, các TCTD ngân hàng đã áp dụng nhiều giải pháp khơi thông tín dụng, trong đó có biện pháp liên tiếp hạ LS cho vay.

Đến thời điểm này, mặt bằng LS cho vay đã giảm xuống bình quân khoảng 8%/năm so với đầu năm 2013 và đã ngang bằng mức lãi vay trước năm 2007. Các NHTM như Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)… đã dành ưu đãi nguồn vay cho 5 nhóm đối tượng ưu tiên đã được Chính phủ định hướng (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN NVV, DN ứng dụng công nghệ cao) ở mức thấp nhất 7 - 9%/năm; lãi vay các lĩnh vực SXKD khác ở mức từ 9 - 11%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 10 - 11,5%/ năm ở khối NHTM CP. Trong đó, DN có tình hình tài chính tốt, minh bạch, phương án SXKD hiệu quả đã được các NHTM cho vay với LS chỉ 6,5- 7%/năm…

Tất cả các ngân hàng đều sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn tín dụng cho DN. Bên cạnh đó, nhiều NHTM cũng triển khai những chương trình ưu đãi mới cho DN vay. Cụ thể như Sacombank triển khai gói cho vay ưu đãi và đáp ứng nhu cầu kinh doanh của DN, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương kinh doanh hàng Tết Giáp Ngọ 2014. LS các khoản vay này là 9%/ năm trong 3 tháng đầu tiên và tiếp tục áp dụng mức LS ưu đãi cho các tháng còn lại; BIDV có gói ưu đãi cho các DN xuất khẩu, lĩnh vực dệt may, đồ gỗ và linh kiện điện tử. Gói hỗ trợ này, DN được ứng đến 98% tiền vay mua hàng xuất khẩu…

Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương Trần Ngọc Linh cho biết, năm nay lạm phát đã được kiềm chế, hệ thống BIDV nỗ lực giảm LS những khoản trước đây xuống thấp, hiện nay bình quân khoảng 10%/năm, cho vay mới cao nhất 11,5%/ năm. “Hiện chúng tôi cũng đưa ra chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 với LS chỉ 6%/năm. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với những giải pháp của Chính phủ cũng như NHNN, BIDV sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tín dụng thông thoáng, DN cũng dễ dàng tiếp cận với mức LS vay thấp hơn”, ông Linh nói.

Với tiềm lực tài chính mạnh và nắm bắt nhu cầu thực tế của DN, các NH đã cân nhắc và chấp nhận giảm lợi nhuận để đưa ra chương trình vay với LS ưu đãi. Phương châm của lãnh đạo các NH hiện nay là tạo mọi điều kiện để giúp các DN dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn nhằm đẩy mạnh hoạt động SXKD và cũng chính là giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho NH. Giám đốc Vietinbank chi nhánh Khu công nghiệp Mai Xuân Long chia sẻ, LS luôn là mối quan tâm và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kinh doanh của người vay, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. “Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã đi gặp từng DN, nắm bắt khó khăn cụ thể của DN để tư vấn, lập phương án kinh doanh. Đối với DN có lượng hàng tồn kho, có kế hoạch giải phóng hàng tồn kho và kế hoạch sản xuất tiếp theo khả thi thì ngân hàng sẵn sàng tài trợ cho những khoản vay đó. Giải ngân nhanh chóng và áp dụng mức LS mang tính hỗ trợ luôn là mục tiêu số một mà Vietinbank muốn mang đến cho khách hàng”, ông Mai Xuân Long nói.

Có thể nói, việc kịp thời đưa ra những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế như phối hợp cùng DN giảm dần tỷ lệ nợ xấu thông qua các giải pháp giảm LS các khoản cho vay cũ, rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách vay để tháo gỡ khó khăn thông qua việc cơ cấu lại nợ… Các chính sách này đã giúp DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ dài hơn (dù bị hạ tín nhiệm) và điều kiện vay để dễ dàng tiếp cận với những khoản vay mới nhằm tiếp tục sản xuất.

Hầu hết lãnh đạo các DN đều đánh giá cao việc Chính phủ, NHNN đã liên tiếp giảm LS trong những tháng qua. Đặc biệt, các DN đánh giá cao việc các NHTM thực hiện giảm dần LS các khoản vay cũ về mức hợp lý từ 17%/năm (thậm chí năm 2012, có thời điểm LS vay lên đến 24%/năm) còn khoảng 10%/năm đã tạo tác động tích cực cho cộng đồng DN. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết, các đợt giảm LS của các TCTD giúp DN tiết giảm chi phí sản xuất, DN có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, dần khôi phục sản xuất, từ đó thị trường hàng hóa sẽ ổn định, dồi dào, giá cả cũng giảm theo. Tuy vậy, theo ông Thanh, bên cạnh những DN khỏe, NH cho vay LS thấp, hạn mức vay cao, nhưng vẫn còn những DN có triển vọng và cũng có mức độ rủi ro kinh doanh thì NH cũng cho vay nhưng tỷ lệ vay thấp hơn và LS vay ngắn hạn còn khá cao, khoảng 7 - 8%/năm. Vì vậy, ông Thanh cho rằng bên cạnh LS vay ngắn hạn nên hạ xuống ở mức dưới 6%/năm, các NH cần linh động cho vay DN rộng rãi hơn nữa và các cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp khác đồng bộ, quyết liệt hơn như ổn định giá xăng dầu, điện, tỷ giá… có như vậy thì hoạt động SXKD của đại đa số DN sớm khôi phục.

Trong những tháng còn lại của năm 2013, Chính phủ đã xác định chủ trương nhất quán là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, các giải pháp tín dụng NH tập trung vào các nội dung chủ yếu, áp dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn hoạt động của TCTD, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của ngành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp để tiếp tục giảm LS cho vay, điều chỉnh cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD theo các mục tiêu Chính phủ, ngành đã đề ra trong năm 2013…

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=210
Quay lên trên