Gỗ Việt gồng mình vượt “bão”!

Cập nhật: 29-10-2011 | 00:00:00

Bài 1: “Thua ngay trên sân nhà”!

Bài 2: Tinh thần doanh nhân Việt

Dù đang đứng trước vô vàn khó khăn về vốn vay, lãi suất cao... nhưng cộng đồng doanh nhân Việt vẫn nêu cao tinh thần tự chủ, không liên kết để “bán rẻ linh hồn”; không vì quyền lợi trước mắt mà “bán mình cho người khác”... Bởi họ biết đặt danh dự, quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Đáng trân trọng hơn nữa là “những chỉ báo” mà các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) đã thẳng thắn lên tiếng sẽ phần nào hỗ trợ Nhà nước kịp thời hoạch định chính sách, hạn chế kẽ hở, mang lại sự công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh.

 Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều DN gỗ ở Bình Dương vẫn cố gắng duy trì sản xuất, ổn định nguồn lao động. (Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Minh Phương - ảnh tư liệu)

Không vì lợi nhuận trước mắt

Sau phần trình bày của Bifa về những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu gỗ gặp phải, các đại biểu Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn: “Bình Dương có trên 50% số lượng DN chế  biến xuất khẩu gỗ và chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu so cả nước; máy móc thiết bị phục vụ ngành chế biến gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng được đánh giá là hiện đại, không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Vậy nguyên nhân của “chảy máu nguyên liệu” là do đâu, vai trò của hiệp hội như thế nào trong vấn đề này”?...

Không trực tiếp trả lời câu hỏi, Chủ tịch Bifa Võ Trường Thành dẫn chứng: “TTF là DN duy nhất hiện nay phát triển doanh số và có lãi. Do kết quả đầu tư của nhiều năm về trước cộng với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cho phép liên doanh trồng rừng với Nhật Bản. Từ đó, TTF đã có thêm 100 tỷ đồng thu nhập từ bán rừng trồng. Nhờ vậy mà có lãi lớn, nhưng nếu chúng tôi trực tiếp khai thác và bán thẳng ra nước ngoài (Trung Quốc) thì sẽ có thêm 40% lợi nhuận gia tăng. Nhưng đây là dự án của Chính phủ, TTF là công ty niêm yết nên phải tuân thủ nghiêm các cam kết trước đó. Còn nguyên nhân “chảy máu” nguyên liệu là do: giá nguyên liệu thô từ 90 đến 100 USD/tấn đã tăng vọt lên 120 đến 130 USD/tấn, nên phổ biến hiện tượng chặt rừng non, lấy cây nhỏ trộn vào nguyên liệu để xuất khẩu. Do khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà sản xuất đã bỏ cuộc nên đơn hàng đang dồn dập đến với DN; trong sản xuất đồ gỗ luôn có 50% gỗ tốt làm cốt và 50% gỗ thường để “độn” hoặc trang trí, chạm khắc. Trung Quốc là nước có nguồn gỗ giá rẻ nên phải mua thêm 50% gỗ thường không làm nguyên liệu cũng để sản xuất giấy nên sẵn sàng mua với giá cao! Có nhiều DN vì lợi trước mắt đã chấp nhận “ngừng sản xuất” nhưng vẫn có lãi bằng cách bán nguyên liệu, nhưng cũng có nhiều DN không tiếp tay cho đối thủ mà chọn cách đẩy mạnh buôn bán nội khối, nhất là trong hiệp hội như Bifa đang làm”.

Không “bán mình” cho người khác

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương tiếp tục chất vấn: “Hiệp hội đã thể hiện được thế lực mạnh mẽ của mình trong việc chia sẻ thông tin, đẩy mạnh buôn bán nội khối để cùng tồn tại trong khó khăn. Đều là những DN tầm cỡ, uy tín quốc tế tại sao Bifa, TTF không tìm cách tiếp cận nguồn vốn rẻ để phát huy năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội vươn lên như DN FDI”? Câu hỏi này được ông Thành trả lời thẳng: “Nếu tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ nước ngoài chúng tôi phải “bán mình cho người khác” đó là điều kiện đầu tiên và duy nhất mà các tổ chức tài chính nước ngoài đặt ra”. Rồi tiếp tục dẫn chứng: “Không chỉ bản thân tôi mà nhiều DN chế biến gỗ trong nước đã từng tiếp đón, làm việc với đại diện các tổ chức tài chính, tập đoàn đầu tư lớn của nước ngoài đề nghị hợp tác, hỗ trợ tín dụng trong điều kiện lãi vay. Để “né” luật và nhận vốn tài trợ hợp pháp, chúng tôi phải làm thủ tục “chuyển nhượng” hoặc “sang tên” DN của mình thành DN nước ngoài. Sau đó nhận vốn và kinh doanh...

Để gầy dựng được thương hiệu, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Khi hội nhập chúng tôi cũng thấy tự hào vì mình là DN Việt 100%  dù tiềm lực, kinh nghiệm của mình còn rất khiêm tốn so với các công ty, tập đoàn nước ngoài. Nhưng trước tình thế này chúng tôi thà chịu khó, chịu khổ chứ nhất định không thể đặt quyền lợi DN lên trên danh dự và quyền lợi quốc gia. Đó chính là hành động yêu nước mà Bifa đang cố gắng giữ gìn và thực hiện trong giai đoạn khó khăn này!”.

Những đề xuất chí tình

Góp ý kiến về vấn đề kiềm chế lạm phát, chống chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, Bifa nêu con số: 8 tháng đầu năm cả nước nhập siêu 14,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng các DN có trụ sở chính ở phía Bắc đã đạt kim ngạch 11,5 tỷ USD, trong khi DN chế biến xuất khẩu gỗ hoạt động theo mô hình nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất rồi xuất khẩu thành phẩm với khoảng 50% nguyên phụ liệu nhập khẩu nhưng không quá 1  tỷ USD. Như vậy ai là người nhập siêu, số lượng, hàng hóa và cả nguyên nhân có thể căn cứ vào hồ sơ hải quan để định ra giải pháp kiềm chế. Còn về chuyển vốn, chuyển giá của khối DN FDI, Bifa đã có tờ trình gửi trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ càng gây khó khăn cho DN chân chính vì kéo dài tình trạng cạnh tranh không cân sức. Riêng việc áp dụng mức lương mới kể từ ngày 1-10 đưa khu vực huyện Tân Uyên bằng với TP.HCM và Hà Nội là không phù hợp, không khuyến khích đầu tư vì hạ tầng, điều kiện kinh tế ở Tân Uyên không thể so sánh với hai thành phố lớn của cả nước.

 DUY CHÍ

Bài 3: Những mô hình vượt “bão”

Một số doanh nghiệp FDI còn gian lận khai báo hải quan

Tin từ Cục Hải quan Bình Dương cho hay, lợi dụng kẽ hở trong chính sách mà một số DN thiếu chân chính đã lợi dụng để gian lận, thu lợi bất chính trong quá trình khai báo hải quan. Phổ biến và khó quản lý nhất là khâu quản lý định mức, thường xảy ra ở các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thông qua công các nghiệp vụ, Hải quan Bình Dương đã lập hồ sơ truy thu hơn 130 tỷ đồng, trong đó có DN bị truy thu đến vài ba chục tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, Hải quan Bình Dương đã ra quyết định truy thu 2 DN FDI (100% vốn Đài Loan) với số tiền 50 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cũng cho biết: Từ tháng 7-2011, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã hoàn tất công tác thống kê, lập danh sách trình Tổng cục Thuế các bước thanh tra, kiểm tra công tác gian lận thuế, chuyển giá, chuyển vốn. Trong đó, ngành gỗ sẽ tiến hành thanh tra 14% tương đương 30 DN.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên