“Đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại trong sự cố tháng 5 vừa qua đã đi vào hoạt động. Những vấn đề vướng mắc, tỉnh sẽ làm việc với Bộ Tài chính tháo gỡ để giúp DN sản xuất ổn định”, đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cuối tuần qua.
100% DN thiệt hại đã hoạt động trở lại
Thực hiện các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các DN bị thiệt hại trên địa bàn, UBND tỉnh cho biết chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công các ngành, các cấp tập trung giúp đỡ, hỗ trợ các DN bị thiệt hại khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất trở lại. Kết quả đến nay, 100% DN bị thiệt hại đã đi vào sản xuất; số lao động trở lại làm việc đạt trên 98%. Nhìn chung các nhà đầu tư bị thiệt hại nhẹ đã tự khắc phục và hoạt động sản xuất trở lại ngay, không kiến nghị Nhà nước hỗ trợ. Riêng các DN gặp khó khăn về nhà xưởng, tỉnh đã giải quyết cho thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp để khôi phục sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung (bên phải) đến thăm hỏi, động viên và tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Mega Step Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1
UBND tỉnh cũng cho biết về tiền bảo hiểm thiệt hại tài sản cho DN, Bộ Tài chính và UBND tỉnh đã phối hợp thực hiện chương trình các DN bảo hiểm tạm ứng tiền bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại, qua đó có 113 DN được tạm ứng 114,7 tỷ đồng. Ngày 18-6 vừa qua, UBND tỉnh đã công bố mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và trao Quyết định hỗ trợ đợt 1 cho 37 doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này sẽ còn tiếp tục bằng nhiều hình thức và sẽ còn các đợt tiếp theo. Về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Đánh giá chung, UBND tỉnh cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bị thiệt hại đến nay đã từng bước ổn định; an ninh trật tự được giữ vững; bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động…
Bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esque: Chúng tôi tiếp tục chọn Bình Dương để đầu tư lâu dài
14 năm trước, chúng tôi quyết định đặt nhà máy tại Bình Dương vì nơi đây cơ sở hạ tầng tốt và đất đai thuận lợi để đầu tư. Bây giờ, đặc biệt là sau sự việc vừa qua, tôi cho rằng vốn quý mà tập đoàn có được chính là yếu tố con người. Tại Bình Dương, cán bộ, công nhân viên của chúng tôi là những người thân thiện và hết sức trách nhiệm với nhà đầu tư; họ rất dũng cảm, sáng tạo và năng động… Điều đó giúp tập đoàn thêm gắn bó và cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài tại Bình Dương.
Tham vọng của chúng tôi là muốn biến nhà máy Esque tại Bình Dương, nhà máy tốt nhất trong tập đoàn, thành mô hình mẫu để chứng minh được tầm nhìn mới của chúng tôi về lĩnh vực dệt may: áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả tiên tiến và sáng tạo để tránh con đường mòn của ngành dệt may là sử dụng lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu. Bình Dương chính là nơi thích hợp nhất để tập đoàn quyết định chọn lựa nhằm thực hiện mô hình đó.
Gỡ vướng giúp DN ổn định
Tại buổi làm việc với DN trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 sáng 20-6, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết đến thời điểm này 100% các DN bị thiệt hại từ sự cố tháng 5 vừa qua đã đi vào hoạt động, một số DN còn đề nghị với lãnh đạo tỉnh được mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tất cả những kiến nghị này được tỉnh xem xét kịp thời và có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư này đầu tư mở rộng, bảo đảm các đơn hàng đã có và khẳng định uy tín của nhà đầu tư đối với khách hàng trước mắt và trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng cho biết ngoài chính sách bảo hiểm do các công ty bảo hiểm thực hiện và đã ứng một phần vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần của địa phương đã thực hiện một số chính sách theo sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là miễn, giãn, giảm các loại thuế, khấu trừ, hoàn thuế VAT, xem xét giải quyết tiền đất và phí cơ sở hạ tầng, kể cả hạn mức vốn tín dụng và khoanh nợ, đồng thời đề nghị ngành chức năng không chuyển qua nợ khó đòi tạo điều kiện gỡ khó cho DN. Tất cả những việc làm của tỉnh đều kịp thời đến các DN và được DN đồng tình, ủng hộ cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng cho rằng, đến thời điểm này vẫn còn một số vướng mắc, một vài nhà đầu tư chưa sản xuất hết theo quy mô. Mong muốn của Chính phủ và của tỉnh là DN ổn định sản xuất và phát triển. Đây cũng là mong muốn của nhà đầu tư để thực hiện đơn hàng và giữ uy tín với khách hàng. Đối với công tác giám định của các cơ quan thẩm định tài sản thiệt hại có phần còn chậm; tỉnh sẽ giải quyết khó khăn này theo hướng lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tài chính để bộ chỉ đạo kịp thời các công ty bảo hiểm có trách nhiệm đến với DN. Về phía tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng như thuế, hải quan gắn với chủ DN, cơ quan giám định, cơ quan bảo hiểm giải quyết kịp thời nhằm tạo điều kiện để các công ty bảo hiểm giải quyết chính sách bảo hiểm cho DN.
T.MINH