Hiện đại hóa kiểm soát ô nhiễm khí thải công nghiệp

Cập nhật: 01-02-2018 | 08:42:55

Kinh tế công nghiệp phát triển, nguồn thải sẽ phát sinh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Nguồn thải đó có thể là nước thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp... và thêm nữa là khí thải, bụi công nghiệp.


Bình Dương luôn chú trọng kiểm soát ô nhiễm khí thải công nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Tào Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên và môi trường phân tích, trong hoạt động công nghiệp, khí thải phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu. Quá trình này thải ra rất nhiều khí độc đi qua các ống khói của các nhà máy vào không khí. Bên cạnh đó, khí thải cũng phát sinh do sự bốc hơi, rò rỉ, thất thoát trên dây chuyền sản xuất sản phẩm và trên các đường ống dẫn tải. Nguồn thải của quá trình sản xuất này cũng có thể được hút và thổi ra ngoài bằng hệ thống thông gió. Các ngành công nghiệp chủ yếu gây ô nhiễm không khí bao gồm vật liệu xây dựng, hóa chất và phân bón, dệt và giấy, luyện kim, thực phẩm, các xí nghiệp cơ khí, các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nhẹ…

Tại Bình Dương, Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ thực hiện quan trắc khí thải công nghiệp đối với các nguồn thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế được hỗ trợ các thiết bị hiện đại từ dự án môi trường Việt Nam - Canada, Bình Dương là 1 trong 6 tỉnh, thành đầu tiên của cả nước được hướng dẫn và đào tạo phương pháp lấy mẫu khí thải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Việc quan trắc khí thải phục vụ cho công tác kiểm soát ô nhiễm đã được Bình Dương thực hiện từ năm 2007 đến nay. Chương trình quan trắc khí thải là một bản liệt kê, miêu tả các công việc sẽ được thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu quan trắc, trong đó bao gồm các thông số, các địa điểm, tần suất và thời gian quan trắc cũng như các yêu cầu về trang thiết bị, phương pháp lấy mẫu, phân tích, yêu cầu về nhân lực và các tổ chức tham gia thực hiện. Đây là một buổi tổ chức lấy mẫu khí thải và bụi tại Công ty TNHH Polytex Far Eastern (huyện Bàu Bàng). Ngoài một số chỉ tiêu cơ bản có thể xác định bằng thiết bị test nhanh, những thành phần không khí khác như NH3, CO, NO2, SO2, HF… đều phải lấy mẫu để chuyển về phòng thí nghiệm phân tích. Mỗi chỉ tiêu có một phương pháp phân tích khác nhau nên việc lấy mẫu cũng sẽ thực hiện riêng với từng loại chỉ tiêu. Đối với không khí, phương pháp sử dụng lấy mẫu là dùng dung dịch hấp thụ thành phần khí thải. Còn đối với bụi, các cán bộ quan trắc sẽ lắp đặt giấy hút bụi vào đầu dò để lấy mẫu phân tích. Thực tế càng chứng minh khi đến tại hiện trường, ông Mai Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng Quan trắc hiện trường trực thuộc trung tâm cho biết, mẫu khí thải và bụi từ hiện trường sẽ được mã hóa và chuyển vào phòng thí nghiệm để phân tích. Đối với các mẫu bụi, các nhân viên phòng thí nghiệm sẽ dùng phương pháp cân để xác định khối lượng bụi bám trên giấy hút bụi, từ đó xác định được hàm lượng bụi trong khí thải. Đối với các dung dịch hấp thụ khí thải sẽ được phân tích bằng máy quang phổ W- Vis để xác định hàm lượng của các loại khí thải cần phân tích. Quá trình phân tích các mẫu khí thải và bụi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025:2005 như nhiệt độ ở khu vực phòng thí nghiệm phải dao động trong khoảng từ 20 - 250C, các thiết loại cân phải được đặt trên bàn chống rung và hàng tháng phải được kiểm tra bằng các quả cân chuẩn, các thiết bị phân tích đều phải được hiệu chuẩn hàng năm để bảo đảm tính chính xác của các kết quả phân tích.

Để kiểm soát hiệu quả các nguồn ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, Bình Dương cũng đã triển khai hệ thống quan trắc tự động khí thải tại các nguồn thải lớn. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện đại quá công tác quản lý cũng như thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm một cách hiệu quả.

Ông Quân cho biết thêm, ngoài ô nhiễm môi trường từ nước thải thì ô nhiễm môi trường do khí thải cũng đang đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý. Mặt khác, việc kiểm soát ô nhiễm khí thải lại khó khăn hơn kiểm soát ô nhiểm từ nước thải nhiều lần. Bởi việc xác định các thành phần ô nhiễm, cũng như công tác phân tích xác định nguồn ô nhiễm rất phức tạp. Với những giải pháp kiểm soát ô nhiễm công nghiệp toàn diện mà ngành tài nguyên và môi trường đang triển khai, tin rằng Bình Dương không chỉ là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, mà còn là tỉnh đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo khái niệm, khí thải công nghiệp là hỗn hợp các thành phần vật chất phát thải ra môi trường không khí từ ống khói, ống thải của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp. Bụi là những hạt chất rắn nhỏ, thông thường là những hạt có đường kính nhỏ hơn 75 micromet.

 

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1164
Quay lên trên