Hưởng ứng Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt 2-11: Sử dụng muối i-ốt giúp phòng chống thiếu i-ốt hiệu quả nhất

Cập nhật: 02-11-2015 | 08:02:33

Thiếu hụt i-ốt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của mỗi con người. Thiếu hụt i-ốt có thể dẫn đến bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp, đần độn, chậm phát triển trí tuệ, sẩy thai... Phòng chống thiếu i-ốt bằng cách dùng muối i-ốt là biện pháp hiệu quả và tiện lợi nhất.

I-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng mà con người cần được cung cấp thường xuyên, liên tục, nhưng không tự tổng hợp được. Do không tự tổng hợp được nên con người cần cung cấp i-ốt thông qua nguồn thức ăn, đồ uống hàng ngày. Hiện nay, muối i-ốt vẫn được xem là nguồn cung cấp i-ốt hiệu quả, an toàn nhất cho con người. Vì thế, các bác sĩ khuyên rằng, khi chế biến đồ ăn, thức uống, những người nội trợ nên quan tâm và sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường để mỗi thành viên trong gia đình đều được bổ sung i-ốt cho cơ thể. Bởi, muối i-ốt rất tốt trong việc phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế - xã hội.

Người nội trợ nên sử dụng muối i-ốt khi chế biến đồ ăn, thức uống để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt cho bản thân và gia đình

Thiếu muối i-ốt sẽ dẫn đến thiếu hóc môn giáp và gây ra nhiều rối loạn khác nhau, như bướu cổ, rối loạn bệnh lý khác như sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, đần độn, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động... Theo các bác sĩ, ngay từ giai đoạn đầu của bào thai, thai nhi đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần thứ 12 của thời kỳ thai nghén, thai nhi cần i-ốt để tự tổng hợp hoóc môn giáp nhằm duy trì sự sống. Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau. Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể nào chữa được. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe.

I-ốt không những đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển trí tuệ mà còn góp phần phát triển thể lực. Thiếu i-ốt cùng các vi chất khác cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi. Tuy nhiên, các rối loạn do thiếu i-ốt hoàn toàn có thể phòng tránh nếu cơ thể được bổ sung i-ốt đều đặn hàng ngày. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bổ sung i-ốt vào thức ăn có hiệu quả phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt. Bác sĩ Hồng Hữu Đức, khoa Nội tiết Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định, việc sử dụng muối i-ốt thường xuyên và lâu dài là một biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả để phòng, chống rối loạn do thiếu iốt. Sử dụng muối i-ốt cũng là giải pháp hoàn toàn an toàn, không gây bất kỳ hậu quả xấu nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì tương lai của thế hệ trẻ, vì chất lượng giống nòi, mọi người, mọi nhà cần sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có chứa i-ốt.

Để ngăn ngừa các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, từ những năm của thập niên 90, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Hội đồng quốc tế phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã đưa ra khuyến cáo cần bổ sung i-ốt vào chế độ ăn hàng ngày của những quần thể có nguy cơ bị thiếu i-ốt và muối i-ốt được xem là giải pháp bổ sung i-ốt hiệu quả nhất. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, các nước bị ảnh hưởng cần thiết lập và đưa chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt vào hoạt động.

Tuy nhiên, điều đáng lo là vẫn còn nhiều người dân chưa biết nhiều về lợi ích của muối i-ốt nên đã sử dụng muối thường trong chế biến thức ăn. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền để người dân biết và thực hành sử dụng muối i-ốt là vấn đề luôn được ngành y tế quan tâm. Mới đây, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tổ chức đợt truyền thông cao điểm về hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt trong tháng 11-2015. Theo đó, các đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đợt truyền thông cao điểm trong cộng đồng để hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1,6 tỷ người đang sinh sống trong khu vực thiếu hụt iốt, trong đó tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu là 12%. Số người bị mắc bệnh bướu cổ nhiều nhất ở các nước châu Á, châu Phi. Tại Đông Nam Á, có khoảng 175 triệu người bướu cổ, chiếm 16,7% tổng số bị bướu cổ của thế giới. Việt Nam là nước nằm trong khu vực thiếu i-ốt. Công tác phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt ở Việt Nam đã triển khai thực hiện trên toàn quốc từ năm 1994, với biện pháp bao phủ muối i-ốt toàn dân, muối i-ốt được sử dụng thay muối thường, cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết đưa vào cơ thể hàng ngày. Đến năm 2005, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt…

• CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2678
Quay lên trên