Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua huyện Bàu Bàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện.
Nhờ áp dụng kiến thức từ hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ của các nguồn vốn vay, nhiều LĐNT trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã thành công với các mô hình sản xuất nông nghiệp
Tạo việc làm ổn định
Sau khi được tham gia khóa học đào tạo nghề trang điểm và thực hành trong thực tế, chị Đoàn Thị Sương ở ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng đã áp dụng vào công việc hàng ngày tại tiệm trang điểm kèm làm tóc để phục vụ nhu cầu cho mọi người xung quanh. Chị Sương cho biết: “Bản thân tôi đã có nghề chính là làm tóc, cũng có trang điểm thêm cho khách nhưng lúc đó còn tay ngang chưa học gì nhiều về trang điểm nên chất lượng không cao. Tuy nhiên, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu và tạo điều kiện cho tham gia lớp học nghề trang điểm tôi rất vui vì được học thêm, tìm hiểu sâu về trang điểm để nâng cao tay nghề. Hiện tại, với tay nghề đã vững tôi có thể nhận đào tạo thêm nhiều học viên khác. Có thêm một nghề ổn định nên thu nhập được nâng cao, cuộc sống của tôi sẽ ổn định hơn rất nhiều”.
Cũng giống như chị Sương, sau khi tốt nghiệp lớp học xe nâng, anh Cao Nhật Tân ở xã Cây Trường II cũng đã có cho mình một cái nghề ổn định khi anh xin vào làm việc ở Công ty TNHH Paihong ở Khu công nghiệp Bàu Bàng. Anh Tân chia sẻ: “Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi quyết định xin vào công ty làm việc để ổn định cuộc sống. Tôi biết ơn chính quyền địa phương vô cùng khi luôn quan tâm và tạo điều kiện cho tôi có một cái nghề ổn định nuôi sống bản thân và gia đình”.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT đã áp dụng hiệu quả kiến thức được học vào thực tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình của huyện Bàu Bàng. Sau một thời gian thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, đến nay quy mô đào tạo các lớp học nghề trên địa bàn huyện Bàu Bàng ngày càng mở rộng, hình thức và chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn và đem lại việc làm bền vững cho LĐNT.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Tiến Quân, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết hiện nay LĐNT trên địa bàn huyện Bàu Bàng chiếm khoảng 3%, trong đó chủ yếu là làm nông và không có tay nghề cao. Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số trường nghề trong tỉnh mở khoảng 10 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, chuyển giao khoa học công nghệ ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức các lớp học, chuyển giao khoa học công nghệ bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Xác định giải quyết việc làm cho LĐNT không phải chuyện một sớm một chiều mà là việc làm mang tính chất lâu dài, bền vững, bên cạnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Bàu Bàng còn đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho các học viên học nghề vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất; tận dụng thế mạnh từ các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác tại địa phương để tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.
Mặt khác, huyện còn tạo mọi điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, vận dụng kiến thức được học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất… tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lại.
“Thời gian tới, huyện Bàu Bàng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khắc phục những khó khăn để tiếp tục thực hiện các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng hơn; qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, bảo đảm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tô Tiến Quân nói.
HỒNG PHƯƠNG