Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cho rằng thời gian qua ngành ngân hàng (NH) đã tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hay vốn vay đối với khách hàng DN vừa và nhỏ hiện còn khó khăn do khó đáp ứng đầy đủ điều kiện của NH.
Tư vấn DN vay vốn tại NH Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Dương
Không nên chỉ nhìn tài sản thế chấp
Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Kim Chung (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), cho biết thời gian qua hoạt động SXKD của công ty rất tốt, đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh.
Công ty muốn lập dự án đầu tư thêm máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ mới trị giá khoảng 3 triệu euro. Khi công ty nộp hồ sơ đến NH để vay vốn thực hiện dự án này thì đã bị từ chối với lý do không có tài sản thế chấp.
“NH không cho vay vì chúng tôi không có trang thiết bị máy móc giá trị cao để thế chấp và cũng không có bất động sản để thế chấp được. Không vay được vốn để thực hiện dự án, công ty đành phải chọn phương án đầu tư dần dần”, bà Chung nói.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì cho biết hiện nay, các DN ngành gỗ chỉ có 30% vốn chủ sở hữu và cần 70% vốn vay để hoạt động. Nhiều DN đã liên hệ với NH nhưng vẫn khó vay vì không còn tài sản thế chấp.
Để có vốn sản xuất, DN phải vay vốn của bạn bè, người thân với lãi suất bằng với gửi NH của bạn bè, người thân. Nhưng việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế vì xây dựng nhà xưởng, đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc cần có số vốn lớn, vay dài hạn.
Cần kiến tạo niềm tin
Đại diện NH Thương mại cổ phần Ngoại thương chi nhánh Bắc Bình Dương, cho biết thực tế NH huy động với mức lãi suất 4 - 5%/năm nên khi cho vay ra cũng phải bảo đảm lợi nhuận, có khi vẫn chấp nhận cho DN vay vốn với mức lãi suất hòa vốn.
Vấn đề là DN có đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn NH hay không. Chẳng hạn, DN trình bày phương án vay vốn khả thi nhưng không đề cập hết các yếu tố như nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh...
Về góc độ NH, phải nhìn tổng thể các yếu tố như vốn tự có, dòng tiền thu về, kịch bản dự phòng và quan trọng nhất là sự tin tưởng. Hiện nay ngoài việc cho vay thế chấp bằng bất động sản, tài sản, NH cũng mở rộng cho vay bảo đảm bằng tín chấp để đẩy tín dụng ra thị trường. NH đang tìm khách hàng có tiềm năng để cho vay thì không có lý do gì để từ chối khách hàng có đủ điều kiện.
Còn đại diện NH Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank) chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương, cho rằng để tăng cường cho vay tín chấp đối với khách hàng tiềm năng, NH thực hiện thu thập khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam.
Kết hợp kết quả này với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của Vietinbank để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. NH xem tất cả mối quan hệ về phương án kinh doanh, báo cáo tài chính, lịch sử trả nợ vay, phân tích tài chính... Nếu tình hình tốt, NH sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng mà không cần có tài sản bảo đảm hoặc chỉ một phần tài sản bảo đảm chứ không nhất thiết phải có 100% tài sản bảo đảm.
Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Bình Dương, cho rằng thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã tích cực chủ động trong khơi thông nguồn vốn tín dụng, kết nối mạnh mẽ giữa NH - DN.
Đi đôi với đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, NH luôn chú ý công tác kiểm tra chất lượng tín dụng, bảo đảm đồng vốn NH luôn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân và DN. Tuy vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho DN và vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa NH - DN đòi hỏi sự nỗ lực từ cả 2 phía.
NH chủ động tìm khách hàng tốt thông qua chính sách khách hàng hợp lý bao gồm cả việc giảm lãi suất và hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn, tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN khắc phục khó khăn như cơ cấu lại nợ, tính toán vòng quay vốn lưu động... DN cũng cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng SXKD chủ chốt, có thế mạnh; củng cố nguồn lực tài chính và quản trị cho các mảng kinh doanh chính...
THANH HỒNG