Không thể lơ là với dịch bệnh gia súc, gia cầm

Cập nhật: 28-10-2013 | 00:00:00

Không thể lơ là!

Với tổng đàn GSGC lớn (heo trên 500.000 con, gia cầm trên 5 triệu con), công tác phòng chống dịch bệnh luôn được Bình Dương chú trọng. Những loại dịch bệnh hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát thành dịch là heo tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng. Trong tháng 10-2013, tại một số xã của các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng, TP.Thủ Dầu Một đã xuất hiện một số ổ dịch. Tuy nhiên, các điểm dịch này chỉ xảy ra trên quy mô nhỏ và đã nhanh chóng được khống chế, dập tắt, không lây lan ra trên diện rộng. Công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh được thực hiện sát sao đã góp phần quan trọng trong việc khống chế tốt dịch bệnh.  Người chăn nuôi cần cảnh giác với dịch bệnh. Trong ảnh: Nuôi gà thả vườn tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục Thú y đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thị, thành phố rà soát, tổ chức tiêm phòng cho đàn GSGC, cấp thuốc sát trùng vệ sinh tiêu độc chuồng trại cho các hộ xảy ra dịch và các hộ lân cận; phân công cán bộ thú y phụ trách địa bàn và thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe đàn gia súc và báo cáo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Trong thời điểm này, Chi cục Thú y đã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tăng cường hoạt động các chốt đã có nhằm thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển GSGC đi ngang qua vùng có dịch. Chi cục Thú y cũng đã chỉ đạo tạm ngưng việc kiểm dịch vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, đóng cửa tạm thời cơ sở giết mổ trong địa bàn có dịch nhằm ngăn chặn triệt để khả năng lây lan và phát tán dịch bệnh. Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, ngoài việc thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng, lực lượng thú y cũng siết chặt nguồn GSGC nhập về các lò mổ. Bên cạnh đó, qua nhiều năm thực hiện công tác tuyên truyền và thực tế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ý thức tiêm phòng của người dân đã được nâng cao. Cũng theo ông Khang, với mức hỗ trợ thiệt hại hợp lý của UBND tỉnh cho GSGC bị tiêu hủy do dịch bệnh, người chăn nuôi thường báo ngay cho lực lượng thú y đến xử lý khi nghi ngờ GSGC bị nhiễm bệnh chứ không còn bán “chạy” như những năm trước đây. Việc tiêu hủy GSGC ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh đã góp phần hiệu quả vào việc ngăn chặn dịch bệnh.

 Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Trong năm 2012, người chăn nuôi heo tại huyện Tân Uyên đã phải lao đao vì dịch heo tai xanh. Tuy được UBND tỉnh hỗ trợ nhưng việc tái đàn của các hộ chăn nuôi tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 9 vừa qua, tại Tân Uyên đã xảy ra các điểm dịch lở mồm long móng, tai xanh nhưng chỉ dừng ở quy mô nhỏ và đã được khống chế hiệu quả. Tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh ra diện rộng vẫn còn tiềm ẩn. Ông Nguyễn Văn Hạng, Trưởng Trạm Thú y huyện Tân Uyên cho biết, người chăn nuôi trên địa bàn giờ đây đã rất cảnh giác với dịch heo tai xanh vì những đợt dịch vừa qua người chăn nuôi tại Tân Uyên đã phải chịu những thiệt hại nặng nề.

Trong thời gian tới, để có thể tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Trạm Thú y huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chăn nuôi; các điểm buôn bán gia cầm; hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quản lý chặt chẽ bên trong và môi trường bên ngoài chuồng trại; tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, tăng sức đề kháng cho đàn GSGC bằng cách bổ sung thêm lượng vitamin cần thiết. Ông Hạng cho rằng, việc phát hiện sớm dịch bệnh rất quan trọng, có thể triển khai nhanh các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế sớm nhất khả năng lây lan. Để có thể phát hiện sớm các ổ dịch, lực lượng thú y phải tạo mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương.

Với dịch lở mồm long móng, nhiều trường hợp trâu, bò bị nhiễm bệnh từ đàn trâu bò địa phương khác vận chuyển đến. Các đàn trâu, bò này được thương lái nhập về rồi đem thả rông, từ đó làm lây lan bệnh cho đàn trâu, bò sinh sản của địa phương. Về trường hợp này, ông Tạ Trọng Khang cho biết thêm, trong thời gian tới Chi cục Thú y sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Thời điểm hiện tại người chăn nuôi cần hết sức cảnh giác với các loại dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng, chống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần báo ngay cho lực lượng thú y.

Mặt khác, Chi cục Thú y tỉnh cũng sẽ tăng cường, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn GSGC cho người chăn nuôi. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, cơ quan chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu và có ý thức cảnh giác cao độ, phòng chống một cách hiệu quả nhất.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên