Kiểm kê đất đai năm 2014: Độ chính xác, trung thực cao

Cập nhật: 17-09-2015 | 08:50:42

Kiểm kê chi tiết đối với đất trồng lúa, kiểm kê hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, kiểm kê hiện trạng sử dụng đất từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiểm kê đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền chưa chuyển sang thuê đất, kiểm kê các thửa tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm kê tình hình sử dụng đất của đồng bào dân tộc... là nhiệm vụ mà Bình Dương chú trọng thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.

Bình Dương công khai các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai

Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, công tác kiểm kê đất đai năm 2014 có nhiều tiến bộ và đạt độ chính xác, trung thực cao hơn so với đợt kiểm kê đất đai năm 2010. Theo các nhà chuyên môn, diện tích kiểm kê đất đai năm 2010 được tổng hợp bằng phương pháp kế thừa trên nền số liệu kiểm kê đất đai năm 2005, chỉ tính lại diện tích khi phát hiện có xã, phường, thị trấn nào chồng lấn hoặc hở ranh bản đồ địa chính. Diện tích kiểm kê đất đai năm 2010 được tính toán, tổng hợp từ Sổ Mục kê, Sổ Địa chính, Sổ Chính lý biến động mà chưa đối chiếu đầy đủ với diện tích trên bản đồ, dẫn đến số liệu diện tích phê duyệt chưa đúng với tổng diện tích trên bản đồ địa chính.

Các nhà chuyên môn còn giải thích, bản đồ địa chính thuộc địa bàn các huyện, thị, thành phố hầu hết đều được thành lập vào khoảng từ năm 1999 đến năm 2000 bằng phương pháp điều vẽ ảnh hàng không viễn thám nên độ chính xác chưa cao. Trong khi đó, số liệu kiểm kê đất đai năm 2005, năm 2010 được tổng hợp từ hệ thống bản đồ này. Đến năm 2011, UBND tỉnh đã tổ chức đo đạc chỉnh lý lại bản đồ địa chính đối với cấp xã. Vì vậy, bản đồ địa chính mới với kết quả độ chính xác cao hơn so với bản đồ địa chính cũ. Do đó, kết quả kiểm kê đất đai năm 2014 có độ chính xác cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết công tác kiểm kê đất đai lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 phải nói rằng đạt chất lượng và trung thực, đúng với thực tế tại thời điểm kiểm kê. Trong khi nhóm đất nông nghiệp giảm, thì nhóm đất phi nông nghiệp tăng, mà chủ yếu là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Công tác giao đất, cho thuê đất cũng đi vào nề nếp, đúng quy định của Luật Đất đai; công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã hoàn thành đạt tỷ lệ 99,50% diện tích cần cấp trên địa bàn tỉnh...

Đạt được kết quả đó theo ông Tùng còn nhờ vào việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, các phần mềm chuyên dụng trong công tác chuyên môn; luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan chức năng liên quan qua môi trường internet. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh; từng bước hiện đại hóa bộ máy hành chính công, duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong thực thi nhiệm vụ. Thêm nữa, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai được rút ngắn hơn so với trước đây, giảm thiểu sự chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; chất lượng giải quyết hồ sơ cũng được nâng cao, thống nhất chuyên môn từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố.

Dù vậy trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp diễn, việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra trong thời gian dài chưa xử lý, dẫn đến sai lệch giữa hồ sơ địa chính và thực địa. Một số tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất, UBND tỉnh đã cho phép chuyển mục đích nhưng vẫn chưa thực hiện. Đã vậy, tình trạng đầu cơ đất đai, tách thửa đất ở, đất nông nghiệp chưa đúng quy định của pháp luật diễn ra khá phức tạp dẫn đến phá vỡ quy hoạch, không kết nối được với hạ tầng kỹ thuật đã quy hoạch và đầu tư, ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa...

Trước tình trạng đó, ông Tùng một lần nữa cho biết Bình Dương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất. Trước hết là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, không đúng quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở các cấp, nhất là cấp xã để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, quyết định thu hồi đất để phục vụ cho các mục đích khác, tránh tình trạng hoang phí đất đai.

 

 P.V

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên