Các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng, với tiến độ tiêm vắc xin như hiện nay, dịch bệnh sẽ được kiểm soát từ nửa cuối năm 2021, tạo đà cho kinh tế hồi phục tại các thị trường xuất nhập khẩu lớn của ngành dệt may.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Long Hưng (TP.Thuận An)
Dệt may tăng tốc
Bước vào quý 1-2021, nhiều ngành công nghiệp chủ lực của Bình Dương bận rộn sản xuất khi số lượng đơn hàng mới tăng. Với ngành dệt may, số lượng đơn hàng mới tăng cùng những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thị trường quốc tế cải thiện. Đây là động lực để các DN đặt niềm tin đầu tư cho sản xuất.
Đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động, dệt may đang chịu cạnh tranh trong tuyển dụng. Các DN đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách cho người lao động để thu hút và giữ chân nhân lực. Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc trách nhiệm và xã hội, Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (KCN Sóng Thần 2, TP.Dĩ An), chia sẻ muốn giữ chân lao động cần có một chế độ xuyên suốt ngay cả thời gian dịch bệnh chứ không phải từ việc nâng lương trong một thời điểm ngắn hạn. Công nhân cũng có tầm nhìn xa trong việc lựa chọn công ty có chế độ phúc lợi, chăm lo cho đời sống công nhân tốt.
Ông Nguyễn Đình Thái cho biết, với việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Riêng Công ty TNHH Esprinta Việt Nam, các đơn hàng đã trở lại nhiều so với trước kia. Bước vào năm 2021, DN tăng ca, tổ chức sản xuất và tạo điều kiện tốt để người lao động gắn bó với DN. Lao động của công ty từ đầu năm đến nay tương đối ổn định.
Nắm được cơ hội, nhiều DN xuất khẩu đầu tư mở rộng nhà máy. Tại Công ty DS ViNa (Khu Công nghiệp KSB, Bắc Tân Uyên) đầu năm 2021 đã đưa vào vận hành xưởng sản xuất mới để đón đầu cơ hội. “DS ViNa đã tìm thấy cơ hội quý giá, tận dụng trong chiến lược phát triển 2021-2025, là thời cơ để bứt phá. Đầu tư dây chuyền mới, hiện đại hơn để sản phẩm của công ty thu hút khách hàng. Trong đó, công ty chú ý trang bị những thiết bị, máy móc là thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất, giảm giá thành và tăng sự thẩm mỹ sản phẩm”, lãnh đạo công ty này cho biết.
Ý thức được việc ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ, các DN Việt cũng đầu tư cho công nghệ, thay đổi phương thức quản lý và mở rộng kết nối. Bà Phạm Thị Bích Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Hưng (TP. Thuận An), cho biết DN này vừa đầu tư dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng với kỳ vọng việc đổi mới nâng cao hiệu quả quản trị trong tình hình mới, sẽ đưa DN tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.
Hóa giải khó khăn
Tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, song vẫn còn không ít thách thức, khó khăn chưa hoàn toàn được hóa giải. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, người tiêu dùng tại EU và Mỹ đều đang tiết giảm chi tiêu rất mạnh. Dù nhu cầu mua sắm hàng dệt may vẫn có, nhưng mức giá bị kéo giảm khá nhiều, buộc các DN phải tính toán lại các khâu sản xuất để giảm giá thành. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng với các DN trong nước, dù có đơn hàng, song cũng mới chỉ đáp ứng ở mức độ duy trì sản xuất, triển vọng vẫn chưa rõ ràng. Dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế giới, trong khi các thị trường chưa ổn định, khó tăng trưởng tốt.
Năm 2021 sẽ là năm chuyển giao đầy thách thức khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, nhà máy buộc phải điều chỉnh linh hoạt theo các đơn hàng nhỏ. Trong bối cảnh đó, những sản phẩm như veston, sơ mi cao cấp sẽ vẫn gặp khó khăn, trong khi các sản phẩm phổ thông như đồ thun, đồ thể thao sẽ có cơ hội cao hơn. May mắn là nhiều DN Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Đó là chưa kể, ngay đầu năm 2021, không chỉ cước phí tàu biển tăng phi mã, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất cũng tăng chóng mặt theo, gây áp lực lớn cho DN. Xu thế giảm giá, hàng hóa đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới.
Theo ngành công thương, trong năm 2021, nhiều hiệp định thương mại tự do được đánh giá là sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ các hiệp định này, quy tắc xuất xứ là một rào cản lớn. Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay khiến cho chỉ một số ít DN có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan. Riêng với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cơ hội có phần dễ dàng hơn khi có Trung Quốc tham gia làm thành viên. Theo đó, các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu đi các nước thành viên RCEP đều sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.
TIỂU MY