Lạc quan thị trường ngoại, lo lắng thị trường nội!

Cập nhật: 13-07-2013 | 00:00:00

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) trong nước đạt kết quả khả quan. Trong đó nhiều DN sản xuất máy phát điện, thép lá, thuốc thú y - thủy sản đã khai thác hiệu quả thị trường mới như Myanmar, Bangladesh, Ucraina, Ailen…

 Mở thêm thị trường mới

Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhờ nhiều DN giữ vững thị phần ở thị trường cũ và tiếp tục mở rộng thị trường mới nên XK của khối DN có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan với gần 995 triệu USD. Đạt được kết quả này, Sở Công Thương cho rằng ngay từ đầu năm 2013, tình hình ký kết đơn hàng của DN có dấu hiệu khả quan, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng đến tháng 8-2013 như Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Phương Hạnh, Công ty TNHH Giày An Thịnh… Theo tình hình này, từ nay đến cuối năm, XK của khối DN có vốn trong nước trên địa bàn sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng trưởng tốt, bởi lẽ nhiều DN lớn đã có đơn hàng đến cuối năm như Công ty Cổ phần Giày Thái Bình, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương…

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty Thiên Nam

Trong 6 tháng đầu năm đáng chú ý là tình hình XK các mặt hàng vào thị trường mới có nhiều thuận lợi. Tổng Giám đốc Công ty Cổphần Sáng Ban Mai Trần Thành Trọng cho biết, 6 tháng qua tình hình XK máy phát điện của công ty đạt kết quả khả quan tại thị trường Myanmar. Dự kiến năm 2013, công ty sẽ XK hơn 2 triệu USD vào thị trường này. Theo ông Trọng, thế mạnh của sản phẩm máy phát điện Sáng Ban Mai là luôn bảo đảm về số lượng, chất lượng và đa dạng sản phẩm có công suất từ 10KVA đến 1.100 KVA, hơn nữa với tỷ lệ nội địa hóa 40%, giá bán rất cạnh tranh nên sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt. Vì vậy, không chỉ trong năm 2013 mà nhiều năm tới, thị trường Myanmar thật sự là thị trường tiềm năng của công ty và cho nhiều DN trong nhiều lĩnh vực khác của Bình Dương.

Nói về XK, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổphần Thép Đại Thiên Lộc cho biết: “Bước sang năm 2013, trong lĩnh vực XK thép lá mạ dùng để lợp nhà, Đại Thiên Lộc gặp nhiều thuận lợi tại thị trường Indonesia, Ailen, Bangladesh, Ucraina… Nhờ vậy, qua 6 tháng đầu năm Đại Thiên Lộc đã XK gần 20 triệu USD, đây là con số rất cao mà những năm trước đây chúng tôi chưa bao giờ làm được. Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa rồi, chúng tôi đã XK khoảng 10 triệu USD. Với kết quả XK như vậy, chúng tôi đã góp phần chứng tỏ DN Việt Nam đã vươn tầm ra thế giới để cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Nghĩa tự tin nhận định.

Ở lĩnh vực thuốc thú y - thủy sản, nhờ khẳng định thương hiệu trên thị trường XK, trong những tháng đầu năm 2013 Công ty Thuốc thú y - Thủy sản Minh Dũng tiếp tục tăng trưởng ổn định. Bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, dù lĩnh vực sản xuất thuốc thú y - thủy sản có sự cạnh tranh gay gắt nhưng công ty XK rất hiệu quả và mở rộng thị trường mới sang nhiều quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập, Malaysia, Thái Lan, Oman…

Đừng quên thị trường nhà

Mặc dù kết quả XK đạt khả quan nhưng nhiều DN có vốn đầu tư trong nước vẫn lo ở thị trường nội, nơi được xem là “hậu phương” vững chắc một thời giờ trở nên thách thức cho nhiều lĩnh vực sản xuất. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thép Đại Thiên Lộc Nguyễn Thanh Nghĩa cho rằng: “Hiện lượng hàng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam quá lớn nên cạnh tranh sân nhà ngày càng trở nên khó khăn. Nếu cạnh tranh sòng phẳng thì không lo nhưng đằng này, với chất lượng “lo ngại” nên giá sản phẩm Trung Quốc quá rẻ so với hàng trong nước, người tiêu dùng lại không định lượng và định tính được sản phẩm nên thấy rẻ là cứ mua”. Ông Nghĩa nêu ví dụ cảnh báo, thép lá mạ hiện nay nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam với độ mạ rất thấp so với thép trong nước nên độ bền rất ngắn. Vì vậy nếu cứ ham rẻ mà sử dụng thì người tiêu dùng luôn chịu thiệt.

Thị trường XK tăng nhưng thị trường trong nước giảm, chỉ ra thực tế đó ông Nghĩa cũng cho biết, trước đây doanh thu trong nước của Đại Thiên Lộc đạt hơn một trăm tỷ đồng mỗi tháng, nhưng tháng vừa rồi doanh thu thị trường trong nước của DN chỉ còn 48 tỷ đồng. Sụt giảm như vậy là quá lớn và tình trạng này ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là nông sản cũng gặp điều tương tự. Vì vậy ông Nghĩa kiến nghị, Nhà nước nên xem xét xây dựng hàng rào kỹ thuật về chất lượng để kiểm soát hàng kém chất lượng nhập tràn lan. Đồng thời có biện pháp chống bán phá giá để việc cạnh tranh tại thị trường nội được sòng phẳng, minh bạch.

V.GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=219
Quay lên trên