Làm gì để khai thác tiềm năng du lịch Bình Dương?

Cập nhật: 28-05-2013 | 00:00:00

Bài 1: Khai thác du lịch sinh thái và sông nước…

Bài 2: Hồi sinh vườn cây ăn trái Lái Thiêu

Nói đến du lịch (DL) sinh thái miệt vườn ở Bình Dương không thể không nói đến vườn cây ăn trái (VCAT) Lái Thiêu - một thương hiệu nổi tiếng đã in dấu ấn trong tiềm thức của người dân Bình Dương và du khách khắp nơi. Trước đây, đối với nhiều người nếu đã có dịp đến Bình Dương thì nhất định phải tham quan, vui chơi ở VCAT Lái Thiêu. Nhưng những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân VCAT Lái Thiêu đã mất dần thương hiệu, có nguy cơ bị mai một, là sự tiếc nuối của nhiều người. Do đó, nếu muốn phát triển DL sinh thái vườn, việc làm đầu tiên của tỉnh là phải hồi sinh VCAT Lái Thiêu.

Một vùng đất cây lành trái ngọt…

Nằm ven sông Sài Gòn, cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 10km về phía nam và cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 20km về phía bắc, vùng đất Lái Thiêu (TX. Thuận An) từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng hàng trăm năm qua với nhiều loại cây trái thơm ngon nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… Không chỉ ở Lái Thiêu mà đi ngược hướng về TP.Thủ Dầu Một, dọc theo đường là các vườn cây trái xanh mát của phường An Thạnh, các xã Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn… cũng thuộc TX.Thuận An với tổng diện tích cây ăn trái lên đến khoảng 1.230 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã An Sơn với hơn 400 ha.

Với khí hậu, đất đai màu mỡ thuận lợi nên cây trái tốt tươi, VCAT Lái Thiêu trở thành điểm DL xanh thích hợp với nhiều lứa tuổi. Hàng năm cứ đến mùa trái cây chín rộ (từ tháng 5 đến tháng 8), du khách thập phương nườm nượp đến Lái Thiêu dù tham quan hay nghỉ ngơi đều được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, được nhìn ngắm các loại trái cây chen chúc trên cành hay đi dạo dưới những vòm cây trĩu quả, mắc võng nghỉ ngơi trong vườn và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây, khách cứ việc hái trái ăn thoải mái, chừng nào… no rồi chủ vườn ra tính tiền… Du khách thích cảnh sông nước khi đến đây cũng có thể ghé Cầu Ngang du thuyền dạo chơi dọc theo các khu vườn xanh mát hoặc ngắm cảnh trên sông Sài Gòn…  

Du lịch sinh thái VCAT Lái Thiêu sẽ hồi sinh nếu được sự quan tâm và thực hiện đồng bộ

Với thương hiệu miệt vườn Lái Thiêu đã nổi tiếng từ rất lâu, Bình Dương có điều kiện thuận lợi để khai thác và hình thành những sản phẩm đặc thù hấp dẫn phục vụ du khách như tham quan vườn, thưởng thức trái cây, đi thuyền trên sông rạch, giao lưu, đờn ca tài tử, xem nghệ thuật chế biến và thưởng thức trái cây… Đáng tiếc là những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho thương hiệu VCAT Lái Thiêu đang dần bị mai một, người dân bán đất, bán vườn để chuyển sang sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác. Nhiều hộ còn vườn cây thì thiếu sự đầu tư, chăm sóc, giống cây trái lại già cỗi, cho trái còi cọc, năng suất thấp.

Bên cạnh đó, cùng với việc hình thành những khu, cụm công nghiệp, nhiều vườn cây đã trở thành nạn nhân của nước thải xả ra từ một số doanh nghiệp thiếu ý thức hay vườn bị ngập nước những khi triều cường dâng cao, bị ô nhiễm chất thải chăn nuôi, cây giống nhiều tuổi đã qua thời kỳ cho trái chất lượng hoặc biện pháp canh tác lạc hậu nên cây trái ở đây ngày càng trở nên tiêu điều, cằn cỗi. Mặt khác, một số chủ vườn lợi dụng tiếng tăm của vườn cây Lái Thiêu mà mua trái cây từ nơi khác về bán cho du khách với giá cắt cổ, chèo kéo du khách gây mất thiện cảm… đã làm cho những khu vườn cây ở Lái Thiêu ngày càng vắng khách...

Phải khôi phục và nâng tầm một thương hiệu

Với thương hiệu “VCAT Lái Thiêu” nổi tiếng hàng trăm năm nay, Bình Dương có điều kiện thuận lợi để khai thác hình thành những sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách DL. Và muốn phát triển loại hình sản phẩm DL này đòi hỏi phải bảo tồn, phát huy, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu “VCAT Lái Thiêu”.

Rất đáng mừng là để phục hồi hình ảnh của du lịch VCAT Lái Thiêu nói riêng và du lịch Bình Dương trong những năm qua tỉnh đã có sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn, riêng trong tháng 6-2013 này tỉnh sẽ tổ chức lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín”.

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 12-6 tại xã Hưng Định, TX.Thuận An và các địa điểm khác thuộc vườn cây Lái Thiêu, với quy mô 100 gian hàng, lễ hội sẽ là nơi hội tụ của các loại trái cây đặc trưng của vùng Lái Thiêu và một số tỉnh, thành có trái cây nổi tiếng trong vùng Đông và Tây Nam bộ, cùng các sản phẩm làng nghề và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Dương… Lễ hội nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến VCAT Lái Thiêu - Cầu Ngang, tạo tiền đề phát triển DL sinh thái, gắn kết với tham quan - DL - lịch sử - văn hóa, DL giải trí, nghỉ dưỡng, nhằm hình thành các sản phẩm DL đặc thù của tỉnh. Lễ hội cũng là cơ hội để quảng bá cho DL Bình Dương, qua đó tạo động lực phát triển với định hướng ngành DL sẽ trở thành một ngành mũi nhọn của kinh tế tỉnh nhà trong tương lai.

Với các hoạt động, hội thi như tuyên truyền, vận động nhân dân, các chủ nhà vườn, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ở 4 xã, phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn… tích cực tham gia lễ hội, thể hiện tinh thần mến khách, giao tiếp, ứng xử văn minh, kinh doanh các sản phẩm có chất lượng cao, bán đúng giá, đúng nơi quy định không chèo kéo, nâng giá bán; tổ chức hội thi “Hương sắc miệt vườn” với quy mô cấp tỉnh vừa thể hiện được nét đẹp đặc thù của văn hóa miệt vườn Thuận An cũng như của Bình Dương đồng thời thể hiện sự giao lưu phát triển; hội thi tạo hình nghệ thuật trái cây; hội thi “Đờn ca tài tử”; hội chợ trái cây và hội chợ thương mại; hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch đến Bình Dương và VCAT Lái Thiêu”…

Do đây là lần đầu tiên được tổ chức nên sự thành công của lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín” năm 2013 có ý nghĩa rất lớn. Lễ hội được kỳ vọng sẽ đánh dấu cho sự trở lại của thương hiệu “VCAT Lái Thiêu”, đồng thời cũng là tiền đề cho ngành DL Bình Dương tiếp tục phát triển DL sinh thái vườn, DL sông nước, nghỉ dưỡng…

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Đề nghị các ban ngành chức năng và các địa phương có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã đề ra, chậm nhất vào cuối tháng 5 phải báo cáo về UBND tỉnh kết quả thực hiện được, để công tác chuẩn bị thực hiện đúng tiến độ, giúp cho lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín” năm 2013 thành công tốt đẹp, góp phần phục hồi hình ảnh của du lịch VCAT Lái Thiêu nói riêng và du lịch Bình Dương nói chung trong mắt du khách thập phương…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh NGUYỄN VĂN LỘC: Lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín” năm 2013 sẽ là cơ hội để quảng bá cho DL Bình Dương nói chung, đồng thời thông qua hoạt động lễ hội này nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế, du khách trong và ngoài tỉnh đến với VCAT Lái Thiêu, qua đó có thể tạo tiền đề cho TX.Thuận An phát triển DL dã ngoại kết hợp với DL sinh thái miệt vườn, một sản phẩm DL đặc thù của địa phương. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các chủ vườn, các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động kinh doanh DL sinh thái vườn nhằm góp phần gắn kết phát triển DL, nhất là DL sinh thái miệt vườn, DL sông nước của tỉnh nhà trong thời gian tới...

- Chánh Văn phòng UBND TX.Thuận An NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG: Từ đầu năm đến nay, TX.Thuận An đã triển khai hỗ trợ bán phân bón cho 1.616 hộ nhà vườn trên địa bàn với tổng diện tích hơn 477 ha với số tiền trên 4,8 tỷ đồng. Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch về một số chính sách hỗ trợ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2013-2016…

Bài 3: Đầu tư tôn tạo và phát huy hiệu quả di tích - danh thắng

• BÌNH MINH - THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên