Mỹ thuyên chuyển nhân viên ngoại giao với quy mô lớn vì WikiLeaks

Cập nhật: 07-12-2010 | 00:00:00

Washington đang chuẩn bị một kế hoạch thuyên chuyển nhân viên ngoại giao với quy mô lớn vì những tư liệu do WikiLeaks công bố - các báo nước này tiết lộ, trong khi những thông tin của WikiLeaks bắt đầu khiến các đồng minh của Mỹ tức giận.

 

Ban lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama dự định trong những tháng tới sẽ triệu hồi các nhân viên ngoại giao đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài, những người mà tên họ và chức vụ đã nêu ra trong những tư liệu do WikiLeaks công bố. Đó là thông báo trên cổng thông tin điện tử Mỹ Daily Beast, dẫn nguồn từ ban lãnh đạo của ông Obama.

 

 Ngoại giao Mỹ và thế giới tiếp tục rúng động vì WikiLeaks.

Theo Daily Beast, Mỹ phải đưa ra quyết định này vì hậu quả trực tiếp của việc WikiLeaks tiết lộ 250.000 điện tín mật của bộ ngoại giao Mỹ bắt đầu từ cách đây một tuần.

 

Các nhà ngoại giao sẽ được phân công vàochức trách mới, vì tại những vị trí phục vụ trước đây, họ sẽ không thể thu xếp được cuộc đối thoại với chính quyền nước sở tại. Nguồn tin không nêu tên trong Nhà Trắng nói: “Chúng tôi buộc phải triệu hồi những nhà ngoài giao xuất sắc nhất của mình về nước, vì họ đã dám nói với chúng ta sự thật về những gì đang diễn tại đất nước mà họ tới làm việc”. Con số những nhà ngoại giao sẽ nhận lệnh triệu hồi và danh tính của họ không được nêu ra.

 

Vì bị nêu đích danh trong các bức mật điện mà WikiLeaks tiết lộ, một số đông nhà ngoại giao Mỹ bị “chiếu tướng”. Đặc biệt nhất là các viên chức mà trong báo cáo đã thêm phần bình luận về lãnh đạo của nước chủ nhà.

 

Đại sứ Mỹ Mỹ tại Kabul đã mô tả Tổng thống Afghahistan Hamid Karzai như là con người “nhu nhược” và liên can trực tiếp với chế độ tham nhũng. Theo nguồn tin của Daily Beast, đại sứ Karl Eikenberry sẽ là nhân vật đầu tiên bị thuyên chuyển.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ không hoàn toàn xác nhận thông tin này. Phát ngôn viên bộ ngoại giao chỉ tuyên bố vắn tắt là “bộ sẽ thực hiện những gì cần thiết như đã nói”.

 

Hôm 5-12, trên đài truyền hình NBC, thượng nghị sĩ John Kerry, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện đầy quyền uy, khẳng định là “rất có thể tại nhiều nơi có những người than phiền là họ không thể tiếp tục làm việc với các nhà ngoại giao này”.

 

Vì lợi ích, Washington bắt buộc phải phản ứng sớm và nhanh chóng thuyên chuyển các nhà ngoại giao đã bị “nướng cháy”. Nếu chờ đến khi bị nước chủ nhà tuyên bố là “thành phần không được nghênh tiếp”, thì lúc đó bộ ngoại giao buộc phải lên tiếng giải thích công khai.

 

Anh lên tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ tức giận

 

WikiLeaks vừa tung ra một danh sách dài các địa điểm và cơ sở tối quan trọng về mặt an ninh cho Mỹ trên thế giới, khiến những nước đồng minh phải lên tiếng.

 

Trong danh sách này có các đường ống, trung tâm viễn thông, mỏ khoáng sản, nhà máy thuốc và cơ sở giao thông liên lạc. Chính phủ Anh lên án tiết lộ mới nhất của WikiLeaks. Hôm qua, Phủ Thủ tướng Anh ra thông cáo báo chí lên án vụ tiết lộ các cơ sở có tầm quan trọng cho an ninh. Trong số này có vị trí của tập đoàn vũ khí BAE thường thực hiện các hợp đồng cho quân đội Anh và Mỹ. Trước đó, Cựu Ngoại trưởng Anh, Malcolm Rifkind đã nói: "WikiLeaks thật là vô trách nhiệm, thậm chí có thể nói là đang ngấp nghé khái niệm tội phạm, và đây là loại thông tin những kẻ khủng bố muốn biết".

 

Còn Australia nói nếu người sáng lập trang web này, ông Assange, công dân Australia trở về nhà, ông ta có thể bị dẫn độ theo yêu cầu của nước khác, nhưng Canberra cũng bảo vệ ông ta theo quyền lãnh sự.

 

Trong khi đó, một công điện của cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Eric Edelman cáo buộc Thủ tướng Recept Tayyip Erdogan có đến 8 tài khoản trong Ngân hàng Thụy Sỹ đã gây phẫn nộ. Lên tiếng với những người ủng hộ ông, Thủ tướng Erdogan không thể kiềm được cơn giận dữ.

 

Ông Erdogan nói những ai lăng mạ ông và những người ủng hộ ông sẽ bị thiệt hại nặng vì những lời lẽ đó, sẽ bị dứt điểm và sẽ tiêu tan sự nghiệp. Ông nói các thân hữu của ông đang có kế hạch nhắm vào những nhà ngoại giao này hiểu theo nghĩa luật lệ quốc gia và luật pháp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận những vấn đề này với chính quyền Mỹ. Mỹ đã đưa ra lời xin lỗi, nhưng không đủ. Chính phủ Mỹ cần phải có tất cả những biện pháp cần thiết để trừng phạt những nhà ngoại giao này.

 

Ông cErdogan còn đề nghị đến cả chuyện từ chức Thủ tướng và đại biểu trong quốc hội nếu như những lời gán ghép đó có thể chứng minh là đúng sự thực.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên