Nâng tính tự giác trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cập nhật: 02-05-2013 | 00:00:00

Một trong những sự kiện được người dân đặc biệt quan tâm trong thời điểm này là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm qua (1-5). Điều đó có nghĩa, từ nay không chỉ bản thân những người hút thuốc lá phải chú ý điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp hoàn cảnh mà kể cả những người “xung quanh” chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá cũng theo dõi, chờ đợi những thay đổi tích cực do Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá mang lại.

Tình trạng nghiện thuốc lá, tác hại của thuốc lá quá nặng nề là lý do chính làm cho người dân dành nhiều sự quan tâm đến việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá lần này. Hiện Việt Nam đã được xếp vào nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và hút thuốc lá nơi công cộng rất phổ biến - kết quả thống kê này của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm không ít người sửng sốt nhưng không quá bất ngờ bởi tình trạng hút thuốc lá quá phổ biến tại nước ta trong thời gian qua. Không chỉ vậy, tỷ lệ người không hút thuốc lá bị ảnh hưởng bởi khói thuốc (hút thuốc thụ động) cũng chiếm rất cao, với 49% ở nơi làm việc, 68% ở nhà và từ 85 - 93% ở quán cà phê, nhà hàng, quán rượu... Những kết quả này đã dẫn tới con số thống kê khác rất đáng báo động: Trung bình mỗi ngày Việt Nam có đến trên 100 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ!

Bởi vậy, có thể nói việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và giảm tác hại do thuốc lá là điều rất được trông đợi. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá lần này quy định nhiều biện pháp rất đáng chú ý nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như nghiêm cấm việc bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng; người đứng đầu, quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá, ra khỏi cơ sở của mình... Gắn liền với đó, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đang trình Chính phủ, cũng quy định chi tiết các hình thức chế tài đối với những hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá, trong đó hành vi nặng nhất có thể bị phạt đến 50 triệu đồng...

Luật đã có, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp chế tài cũng không thiếu, do vậy vấn đề còn lại là triển khai thực hiện như thế nào để bảo đảm phát huy hiệu quả tích cực. Gắn liền với tập tục ở nước ta, đối với không ít người việc hút thuốc lá đã trở thành một thói quen không dễ dứt bỏ hay giảm hẳn ngày một ngày hai mà cần có quá trình “cai nghiện”, trong đó yếu tố tinh thần, sự quyết tâm từ bỏ thuốc lá của người hút là rất quan trọng. Do vậy, bên cạnh các quy định cấm đoán, biện pháp chế tài, kiểm soát thị trường, quảng cáo... để giảm cung thì công tác tuyên truyền cần được xác định là việc trọng tâm nhằm giảm cầu về thuốc lá. Những quy định như cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi... sẽ dễ dàng được thực thi hơn trên tinh thần tự giác của mỗi người, khi mà công tác tuyên truyền, giáo dục tiến hành sinh động, thu hút hơn, nói rõ được tác hại của thuốc lá, góp phần giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và tạo thêm động lực cho người hút thuốc quyết tâm từ bỏ thuốc lá.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=329
Quay lên trên