Ngành thuế Bình Dương kiên quyết đấu tranh, xử lý nhiều trường hợp chuyển giá, gian lận thuế!

Cập nhật: 22-02-2012 | 00:00:00

Lợi dụng chính sách “tự khai - tự nộp” của ngành thuế, một số nhà quản lý doanh nghiệp (DN) thiếu chân chính đã cấu kết với kẻ xấu để thực hiện nhiều hành vi gian lận, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, trong đó có những hành vi rất tinh vi, mang tính hệ thống nhằm tạo ra hiện tượng “lỗ giả - lãi thật” gây bức xúc dư luận xã hội.

 Người nộp thuế đăng ký làm thủ tục tại quầy của Cục Thuế tỉnh Bình Dương

DN lớn mạnh... vẫn lỗ!

Đây là câu chuyện có thật đến mức “vô lý” được một số ông chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hệ thống DN nội bộ cố tình dựng lên nhằm qua mặt luật pháp để trốn tránh nghĩa vụ công dân và thông qua đó còn trực tiếp chiếm đoạt lợi ích của Nhà nước để sử dụng vào mục đích riêng, làm đảo lộn công bằng xã hội, cạnh tranh không lành mạnh, bị xã hội lên án! Hành vi này được các nhà chuyên môn đặt tên là “chuyển giá” nhằm minh họa cho hiện tượng “lỗ giả - lãi thật”. DN lớn mạnh không ngừng nhưng vẫn khai lỗ là do nguyên nhân trên. Từ thực tế đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế tiến hành lồng ghép kế hoạch thanh tra thuế với việc thanh tra một số DN “lỗ” kéo dài và kế hoạch kiểm tra DN có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, trong năm 2011, Cục Thuế đã xây dựng kế hoạch thanh tra 117 DN lỗ nhiều năm liền và đã thanh tra xong 100 DN với mức phạt vi phạm hành chính 6,64 tỷ đồng; thu hồi thuế 7,1 tỷ đồng; truy thu 10,3 tỷ đồng; xử lý giảm lỗ 370,1 tỷ đồng. Hành động chấp hành nộp phạt cùng lúc nhiều lỗi trên đã nói rõ bản chất, mức độ vụ việc.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đã chỉ đạo Phòng Kiểm tra thuế Số 3 chủ trì sàng lọc các DN có giao dịch liên kết, xây dựng kế hoạch kiểm tra các DN có dấu hiệu chuyển giá và tiến hành kiểm tra 7 DN. Kết quả, phạt vi phạm hành chính 194,7 triệu đồng; truy thu, thu hồi thuế 816,2 triệu đồng; giảm lỗ 117,6 tỷ đồng; tăng thu nhập chịu thuế trên 184 tỷ đồng; điều chỉnh giảm giá vốn đầu vào 5,3 tỷ đồng, điều chỉnh tổng doanh thu 178,7 tỷ đồng... Ngoài ra cơ quan thuế còn phối hợp cơ quan công an  xử lý 40 vụ vi phạm về thuế. Trong đó, xử lý 17 hành vi gian lận, khai sai, truy thu, thu hồi, phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 14,2 tỷ đồng; xử lý nợ đọng 21 vụ với tổng số tiền phạt trên 1,4 tỷ đồng; xử lý 2 vụ sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thực hiện giám định thuế 1 vụ theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra... góp phần giữ vững ổn định nền kinh tế, tạo “sân chơi” bình đẳng cho cộng đồng DN.

Bài học kinh nghiệm

Qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị nghiệp vụ cao trong công tác đấu tranh chống chuyển giá, gian lận thuế như: Hành vi kê khai doanh thu chịu thuế không đầy đủ, các khoản thu nhận trước nhiều năm; doanh thu giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc bàn giao; doanh thu hàng khuyến mãi, quà biếu, quà tặng không đúng quy định; doanh thu hàng chịu thuế GTGT; doanh thu bán phế liệu; chênh lệch doanh thu xuất khẩu trên tờ khai hải quan; một số trường hợp không kê khai doanh thu chịu thuế tài nguyên - môi trường...

Với các công ty đa quốc gia thì thông qua hoạt động liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài để nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu với giá cao để nâng chi phí, cùng lúc với việc hạ giá bán để giảm doanh thu làm giảm thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam. Các đoàn thanh tra đã phát hiện một số hành vi gian lận khá vô lý mà vẫn phổ biến, như: Hạch toán chi phí, khấu hao tài sản không đúng quy định như tài sản không phục vụ sản xuất - kinh doanh, tài sản chưa chuyển quyền sở hữu; trích khấu hao trong thời gian tạm ngưng sản xuất; trích lập các khoản dự phòng, phân bổ chi phí trích trước không theo quy định; hạch toán chi phí tài trợ không đúng quy định; hạch toán các khoản lãi vay đầu tư xây dựng cơ bản hoặc chi phí lãi vay không phục vụ sản xuất - kinh doanh, đưa lãi vay vào trong góp vốn điều lệ và vào chi phí kinh doanh trong kỳ; hạch toán chi phí nguyên vật liệu không đúng định mức đăng ký, không liên quan đến doanh thu hoạt động trong kỳ; chi phí tiền lương không đúng hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể; không hạch toán riêng biệt từng hoạt động được và không được ưu đãi thuế với nhiều khoản chi phí “dị thường” để làm giản số thuế TNDN phải nộp theo hướng có lợi nhất...

Năm 2011 công tác thanh tra, kiểm tra thuế cơ bản đã đi vào chuyên sâu theo lựa chọn rủi ro, thể hiện từ khâu lập kế hoạch đến khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Trước khi tiến hành các cuộc thanh kiểm tra, các đoàn đều có bước nghiên cứu, phân tích kỹ thông tin người nộp thuế để đề ra nội dung, đề cương thanh tra cụ thể, có trọng tâm. Do đó, tỷ lệ xử lý truy thu, phạt vi phạm hành chính sau thanh tra, kiểm tra khá cụ thể; Công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã thực hiện theo đúng quy trình do Tổng cục Thuế ban hành, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế đã giúp cơ quan thuế kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách thuế; đồng thời giúp người nộp thuế hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật về thuế, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác hạch toán, kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ, kê khai, nộp thuế đúng quy định, từng bước giảm thiểu những trường hợp khai sai, khai thiếu, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp giữa ngành thuế và đại diện DN năm 2011 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Võ Thanh Bình, nói: “Là người Việt Nam làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các bạn nên tư vấn cho người quản lý, chủ DN làm ăn đạt hiệu quả trên cơ sở chấp hành tốt các quy định và pháp luật của Việt Nam”.

DUY CHÍ

Kỳ tới: Tiếp tục cải cách để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên