Làm nghề báo là phải đi, phải dấn thân vào “vùng nóng” thông tin, lăn xả vào cuộc sống đang sôi động ngoài kia, bởi ở đó có ngồn ngộn thông tin cần chuyển tải đến bạn đọc. Nhà báo kỳ cựu Lưu Trọng Văn (Báo Kiến thức Gia đình) đã ví von rằng, nghề báo là nghề của những chuyến đi, đi để nghe, nhìn, nắm bắt, gạn lọc thông tin cùng bao thủ pháp khác trước khi chuyển tải đến bạn đọc. 16 năm trước, người viết có dịp “chạm mặt” nhà báo Lưu Trọng Văn trong một chuyến theo dân trong cơn hoạn nạn, tâm sự cùng ông về chuyện nghề nghiệp giữa Côn Đảo trùng khơi mới thấm, mới hiểu phần nào nghề nghiệp đã chọn và càng tự hào, yêu quý cái nghiệp đã mang.
Nhắc đến hai chữ dấn thân của nghề nghiệp, trở lại lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong những cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, đã có biết bao thế hệ nhà báo không tiếc máu xương, xông pha khắp chiến trường vì nhiệm vụ. Họ - những người lính cầm bút ra trận mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cầm bút hôm nay.
Đất nước trong khung cảnh hòa bình, dòng chảy thông tin trong đời sống kinh tế - xã hội ngồn ngộn từng giây, từng phút, đòi hỏi nhà báo phải có mặt “trên từng cây số” để thu lượm, chuyển tải. Báo chí - cầu nối thông tin giữa Đảng và dân, giữa Trung ương và cơ sở, bởi vậy nhà báo phải thông tin, phản biện đa chiều, thông tin đúng, đủ mọi vấn đề từ chính trị, kinh tế - xã hội. Thực tế đời sống báo chí hôm nay đã minh chứng cho hai chữ dấn thân của nghề báo. Nhà báo có mặt hầu khắp mọi nơi, từ góc phố, đường quê đến biên cương, hải đảo… để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền được giao phó.
Dấn thân vì nghề nghiệp, dấn thân và cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang thực hiện sứ mệnh cao cả đó.
CẢNH HƯỞNG