Người cựu chiến binh không lùi bước trước khó khăn

Cập nhật: 26-06-2013 | 00:00:00

Để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hạnh, ấp Tân Phú, xã Minh Tân (Dầu Tiếng) lựa chọn mô hình chăn nuôi bò thịt. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ban đầu như thiếu vốn, kinh nghiệm chăn nuôi nhưng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, sự giúp đỡ của bạn bè, cùng với việc chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 1966, sau khi học xong lớp đào tạo giáo viên sơ cấp, ông tham gia đứng lớp xóa nạn mù chữ cho bà con ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến năm 1972, ông tình nguyện vào bộ đội và là chiến sĩ quân báo ở Bộ Tư lệnh phòng không không quân tại Hà Nội. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trở về địa phương ông bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.

Ngày trở về địa phương, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhà không có đất nông nghiệp nên vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn để lo cuộc sống gia đình với hai vợ chồng cùng 6 người con. Dù đã nỗ lực cố gắng nhưng cuộc sống của gia đình vẫn không có nhiều thay đổi, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 1984, gia đình ông quyết định rời quê hương vào Nam khai hoang vùng đất mới ở xã Minh Tân (Dầu Tiếng). Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống gia đình ông cũng vất vả không khác gì ở quê, ngày đêm ông trăn trở nghĩ suy tìm cách thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 2005, nhận thấy đồng cỏ tự nhiên ở đây nhiều, thuận lợi cho việc chăn nuôi bò, ông vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; vốn chưa đủ ông vay thêm bạn bè 2 triệu đồng để mua 1 con bò cái về nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc nên đều đặn mỗi năm sau đó đàn bò thịt của nhà ông không ngừng tăng lên, hiện nhà ông đã có 10 con bò, trong đó có 6 con sinh sản. Ông Hạnh tâm sự: “Những ngày đầu mới chuyển đến cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn, nhìn quanh bốn bề chỉ thấy toàn cao su và cây cối um tùm, có lúc cũng thấy nản lòng. Nhưng trong lòng tự nhủ, người lính không cho phép mình chùn bước trước khó khăn mà phải phát triển kinh tế gia đình, mới thoát nghèo được”.

Gần 30 năm xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Hạnh đã thay đổi. Hàng năm, đàn bò của gia đình cho thu nhập hàng chục triệu đồng, riêng trong năm 2012 vừa qua, đàn bò đã cho thu nhập 70 triệu đồng. Số tiền chưa phải là lớn nhưng với gia đình ông vốn không có nhiều đất, không có cao su thì kết quả đó cũng là một sự cố gắng lớn. Cái đáng quý ở ông Hạnh là sự chịu thương chịu khó vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống bằng đôi bàn tay trắng của vợ chồng ông.

 

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=228
Quay lên trên