Sau hơn 4 tháng kể từ khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, đồng thời xác định phòng, chống dịch bệnh là công việc lâu dài, phải “sống chung” với dịch, người dân và cơ sở là chủ thể chống dịch. Do vậy, các địa phương cần phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là sau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi.
Xác định phòng, chống dịch bệnh là công việc lâu dài, phải “sống chung” với dịch, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện tốt chiến lược 5K + vắc xin và thuốc. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang đẩy nhanh quá trình đàm phán với các nước trên thế giới, các hãng sản xuất vắc xin để sớm đạt độ bao phủ vắc xin toàn dân. Chính phủ yêu cầu cùng với việc thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân khi được phân bổ nguồn vắc xin từ Bộ Y tế; chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc để kịp thời thu dung, điều trị cho những người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất số người tử vong do Covid-19.
Về cách làm phù hợp mà Chính phủ đề cập là tùy tình hình dịch bệnh, mỗi địa phương cần có lộ trình cụ thể để đạt “mục tiêu kép” trong thời gian sớm nhất. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Đối với các địa phương đã đẩy lùi được dịch bệnh, cần nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, Chính phủ yêu cầu lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch bệnh. Đây là bước chuyển mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay theo hướng người dân và cơ sở là chủ thể phòng, chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy tại những nơi tăng cường giãn cách, sức ép về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự là rất lớn. Để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn bên cạnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh còn phải cung cấp các gói an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân. Khối lượng công việc nhiều, ngoài lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể xã hội, đảng viên và các công dân gương mẫu. Về phía người dân, phải thực hiện đúng trách nhiệm đối với cộng đồng và các chuẩn mực pháp luật quy định.
Lãnh đạo mỗi xã, phường, thị trấn đều thực hiện tốt công việc của mình, mỗi công dân đều ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng thì dịch bệnh chắc chắn sẽ sớm được đẩy lùi. Đó chính là hàm ý sâu xa mà Chính phủ đã nêu lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
LÊ QUANG