Yêu nghề giảng dạy, thích nghiên cứu đó là những gì mọi người thường nhắc về anh Nguyễn Minh Tâm, giáo viên lớp điện - điện tử Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh. Mấy ai biết được rằng trụ được với nghề, anh Tâm đã phải nỗ lực hết mình để dạy những học viên đặc biệt bằng tất cả tình yêu thương.
Anh Tâm sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bến Cát. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành điện - điện tử trường Đại học Bình Dương, anh Tâm tiếp tục học nghiệp vụ sư phạm và nộp đơn xin vào dạy tại trung tâm qua lời giới thiệu của một người bạn. Những ngày đầu dạy học cho các học viên đặc biệt, anh gặp nhiều khó khăn trong cách diễn đạt để các em hiểu, thực hành. Các học viên đa phần là khuyết tật vận động, trình độ học vấn thấp, có người thậm chí không biết chữ. Do đó, trong quá trình dạy nếu áp dụng công thức tính toán các em không thể nhớ được nên phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần. Sau đó, anh Tâm rút ra kinh nghiệm cho bản thân, thay vì áp dụng công thức theo sách vở thì tính nhẩm, sử dụng những thuật tính đơn giản nhất là cách để các em dễ hiểu. Ngoài ra, anh chú trọng những bài giảng tích hợp, ưu tiên thực hành để các em hiểu ngay tại lớp.
Anh Tâm bên chiếc máy dệt dành cho người khuyết tật vừa mới chế tạo
Không chỉ đam mê dạy học, anh còn đam mê nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm hữu ích sử dụng trong trung tâm và giảng dạy như: Mô hình bảng thực hành điều khiển tự động cho người khuyết tật; máy quấn dây đồng hồ bằng ánh sáng. Hiện nay, anh Tâm đang chế tạo máy dệt võng để lớp dệt của trung tâm có thể tạo ra sản phẩm đáp ứng đơn đặt hàng của các đơn vị. “Qua 6 năm đứng lớp, dạy hàng chục học viên khuyết tật nhưng chỉ có vài người có thể tự tạo việc làm hoặc đi làm ở những tiệm sửa chữa điện tử. Còn lại các em sau khi học nghề đều không phát huy được những gì đã học. Tôi hy vọng mọi người hãy quan tâm, tạo điều kiện cho những người khuyết tật có việc làm và xóa bỏ sự kỳ thị. Từ đó, những cơ thể khiếm khuyết mới hòa nhập được với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho xã hội”, anh Tâm chia sẻ.
THIÊN LÝ