Những năm qua, Bình Dương đã liên tục gặt hái những thành công lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Việc Bình Dương có sự cải thiện mạnh mẽ về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, vượt TP.Hồ Chí Minh để đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và hạng 6 cả nước, đã minh chứng rõ nhất thành công của tỉnh trong quá trình phát triển.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Kolon (KCN Bàu Bàng). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Năng động đi đầu
Một điều ai cũng dễ nhận thấy, trong quá trình phát triển, Bình Dương cũng như các tỉnh, thành khác, bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thêm vào đó, Bình Dương không có lợi thế về hạ tầng, không có sân bay, cảng biển, lại xuất phát điểm rất thấp. Thậm chí, trước khi thành lập (1997), Bình Dương nằm trong danh sách các tỉnh nghèo, thuần nông, liên tục nhận nguồn ngân sách phân bổ từ Trung ương. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Bình Dương vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ bé. Phải đến khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997, với những bước đi sáng tạo, nhạy bén, Bình Dương đã vận dụng tốt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Trung ương, đưa tỉnh nhà đột phá.
Các chuyên gia cho biết, ngoài lợi thế về tự nhiên, lợi thế do con người tạo ra chính là điều tạo nên sức hút đối với một địa phương và Bình Dương là hiện tượng điển hình. Mới đây, Bloomberg dẫn nguồn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ và khu vực tư nhân tại Việt Nam đạt bình quân 5,7% GDP/năm trong những năm gần đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á; xét trong khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc (mức 6,8%). Đó là câu chuyện của Việt Nam hiện tại, nhưng từ 20 năm trước Bình Dương đã nghĩ đến việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ngay sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhanh chóng xác định con đường công nghiệp hóa, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ đó, ngoài việc không ngừng xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng viễn thông, Bình Dương còn xây dựng chính sách “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”. Hàng loạt chính sách hiệu quả, hợp lòng dân đã giúp Bình Dương dần cải thiện hình ảnh, chiếm trọn niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright, đã lý giải rằng Bình Dương cách đây 20 năm giống như một đặc khu kinh tế của Trung Quốc, mặc dù không được hưởng ưu đãi như đặc khu. Về thể chế, pháp luật, Bình Dương cũng như hầu hết tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng Bình Dương chọn được đúng cách đi. “Có được hiện tượng Bình Dương cũng là nhờ chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, có cả các nhà đầu tư Singapore lẫn nhà đầu tư trong nước chung lưng đấu cật một thời gian dài”, tiến sĩ Du nhấn mạnh.
Giữ vững niềm tin nhà đầu tư
Trong báo cáo PCI năm 2017, Bình Dương lọt vào tốp 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam, bên cạnh những địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ… Bình Dương cũng là địa phương đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chọn theo tiêu chí cơ sở hạ tầng (59,1%) và chất lượng điều hành (43,7%). Trong PCI năm 2018, Bình Dương tiếp tục là tỉnh đứng hạng 1 về chỉ số cơ sở hạ tầng, vượt xa so với ngay cả các địa phương được quan tâm đầu tư lớn như Hà Nôi, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ…
Nhìn lại lịch sử PCI, trong ba năm đầu đánh giá chỉ số này, Bình Dương liên tục dẫn đầu. Các năm sau đó, điểm số Bình Dương có sự tăng, giảm. Năm 2017, Bình Dương dù tăng điểm nhưng vẫn ở hạng 14, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành khá. Năm nay, với 66,09 điểm, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ để trở lại góp mặt trong nhóm Rất tốt. Điều đáng chú ý nữa là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với đội ngũ lãnh đạo của tỉnh tiếp tục tăng. Kết quả này có được đến từnhững nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp của Bình Dương trong thời gian qua.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 3-2018, Bình Dương tiếp tục giữ hạng 3 trong các tỉnh, thành thu hút FDI vào Việt Nam Nam, tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD với hơn 3.500 dự án còn hiệu lực. Nếu xét riêng trong 2 tháng đầu năm, Bình Dương đứng hạng 2 cả nước và chiếm đến 8,6% lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, với 329,6 triệu USD vốn đăng ký. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhớ lại điều ông từng nói với lãnh đạo tỉnh Bình Dương từ hơn 15 năm trước: “Có lẽ chúng ta nên nghĩ tới việc vượt trên trình độ phát triển của KCN Việt Nam - Singapore”. Ở thời điểm đó, KCN Việt Nam - Singapore là một biểu tượng thành công không chỉ cho Bình Dương mà là của cả nước. Từ đó, ý tưởng về thành lập một trung tâm công nghiệp dịch vụ đẳng cấp đã hình thành ngay từ trong ý tưởng của lãnh đạo tỉnh. |
Ghi nhận cho thấy, sau một thời gian đi vào hoạt động, Trung tâm Hành chính công tập trung của Bình Dương đã vận hành hiệu quả, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhanh chóng và thân thiện. Tỉnh đã thí điểm hình thức người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính ngay tại nhà, doanh nghiệp có thể đăng ký lịch làm việc với cơ quan Nhà nước qua email, gửi thư xin lỗi trong trường hợp quá hạn quy định... UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã chútrọng xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, chủđộng và bằng nhiều hình thức tham vấn ý kiến doanh nghiệp và người dân về sự hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính.
Sự thành công của Bình Dương trong thời gian qua chứng minh một thực tế thương hiệu địa phương không nhất thiết phải đến từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nó có thể được tạo dựng bằng thể chế và tầm nhìn dài hạn. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định những thành quả tỉnh đạt được trong thời gian qua là nhờ vào sự quyết tâm, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua nhiều thời kỳ, của nhân dân và các thành phần kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Bình Dương đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, góp phần cho tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc đổi mới và hội nhập, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh
Tuy chỉ đứng ở vị trí thứ 6 cả nước nhưng Bình Dương được xem là một trong những tỉnh có mức thăng hạng vượt bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2018 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Cụ thể, Bình Dương đã vượt từ vị trí thứ 14 năm 2017 lên vị trí thứ 6 với 66,09 điểm về PCI năm 2018.
Bảng kết quả 10 chỉ số thành phần PCI năm 2018 cho thấy, Bình Dương có tới 7 chỉ số tăng so với năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh, từ 6,04 điểm năm 2017 lên 6,85 điểm năm 2018; Chỉ số tiếp cận đất đai cũng tăng ấn tượng, từ 6,83 điểm lên 7,12 điểm.
Trong năm qua, Bình Dương cũng có được những kết quả đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh và tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh. Cụ thể, 87% doanh nghiệp tham gia điều tra đồng ý với nhận định: “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân”. 76% doanh nghiệp cho biết: UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng quy trình mua sắm đấu thầu tại tỉnh minh bạch chiếm 59% (năm 2017 là 47%) và 81% doanh nghiệp cho biết nhận được thông tin sau yêu cầu các cơ quan của tỉnh cung cấp (năm 2017 là 62%).
KHÁNH VINH