Nhóm giữ trẻ gia đình Hoàng Yến (4/49E, khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, TX.Thuận An) nhiều năm qua đã trở thành một địa chỉ tin cậy để nhiều cặp vợ chồng công nhân yên tâm gửi gắm con em mình. Đây cũng là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thí điểm xây dựng, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục được cấp phép hoạt động.
Với số lượng lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương làm việc và sinh sống ngày càng đông, kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, trong đó có hiện trạng quá tải tại bậc học mầm non. Song song đó, thời gian qua, nạn bạo hành ở các cơ sở giữ trẻ đâu đó vẫn xảy ra, trở thành nỗi lo thường trực của nhiều gia đình và toàn xã hội. Trước thực trạng đó, chị Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Giao, TX.Thuận An cho biết, hội thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TX.Thuận An về xây dựng thí điểm “Mô hình nhóm trẻ gia đình ở KCN có công nhân lao động nữ tại địa bàn phường” và Nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến có đầy đủ điều kiện được cấp phép.
Một buổi học tiếng Anh tại Nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến. Ảnh: T.LÊ
Chị Phan Thị Tài Lợi, chủ Nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến cho biết, cơ sở tọa lạc trên diện tích hơn 2.000m2, toàn bộ diện tích được xây dựng trên đất của gia đình. Việc thành lập nhóm giữ trẻ cũng là “cái duyên” tình cờ. Chị Lợi nói: “Thời điểm năm 2010, nạn bạo hành trẻ xảy ra ngay trên địa bàn phường Thuận Giao khiến dư luận cả nước vô cùng bức xúc. Vợ chồng tôi khi đó là người trực tiếp lắng nghe những sẻ chia của nhiều cặp vợ chồng là thanh niên công nhân (TNCN) ở các phòng trọ xung quanh. Chúng tôi nhận lời trông giữ vài ba em nhằm phụ giúp cho các phụ huynh an tâm đi làm, rồi “tiếng lành đồn xa”, lớp cứ đông dần lên. Khi đó, vợ chồng tôi đã quyết định cải tạo căn nhà đang ở thành lớp học, chào đón thêm nhiều thành viên nhí mới”.
Bước đầu ra mắt, nhóm chỉ trông có 26 cháu, đến nay đã có 110 cháu với 90% là con em TNCN. Nhóm được chia thành 4 lớp trẻ trong độ tuổi từ 12 tháng đến 4 tuổi. Số lượng giáo viên là 11, trong đó có 4 giáo viên, 4 bảo mẫu, 2 cấp dưỡng và 1 nhân viên trồng rau. Sau 4 năm, Nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến đã phát triển cơ sở hạ tầng, số lượng trẻ tăng gấp 4 lần so với lúc mới thành lập. Gặp chúng tôi, chị Lợi “khoe”: “Đất của nhà còn rất rộng, do đó chúng tôi thuê riêng một nhân viên trồng các loại rau, củ, quả… làm thực phẩm an toàn hàng ngày cho các bé”. Với cái tâm với nghề và tình yêu con trẻ, vợ chồng chị còn cải tạo gần như toàn bộ cơ sở vật chất, bảo đảm tốt nhu cầu chăm sóc và giảng dạy (máy phát điện, máy điều hòa, camera toàn trường…). Với mức học phí dao động từ 900.000 - 1.000.000 đồng, ngoài 4 bữa ăn hàng ngày, chị còn thuê giáo viên dạy tiếng Anh và aerobic (mỗi môn 2 buổi/tuần) nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho các bé.
Theo chị Lưu Thị Minh Quyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Giao, hiện phường có 5.125 trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó thường trú là 1.539 trẻ, tạm trú là 3.586 trẻ. Theo kết quả kiểm tra năm 2015, phường có 44 nhóm trẻ gia đình, trong đó có 22 nhóm trẻ có phép, 10 nhóm chưa được cấp phép. Có thể nói, việc cấp phép cho Nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến là một mô hình tuy khó nhưng cũng được ra đời nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, tiếp sức của các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vì rất khó để đóng cửa các nhóm trông, giữ trẻ tự phát, nhóm giữ trẻ gia đình không phép nên các cấp, bộ Hội LHPN cố gắng nâng cấp thành những nhóm giữ trẻ hoạt động có chất lượng, được cấp phép hoạt động, giải quyết phần nào nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng của TNCN. Đây cũng là hoạt động cần thiết nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt của TNCN, giúp họ tìm được những địa chỉ tin cậy để gửi gắm con em mình và yên tâm lao động sản xuất.
THANH LÊ