Những đổi thay kỳ diệu ở đảo Lý Sơn

Cập nhật: 29-11-2012 | 00:00:00

   Tấp nập người dân mua bán trên cầu cảng đảo Lý Sơn Bám biển, giữ đảo

Hiện nay, nhiều gia đình trên đảo vẫn còn lưu giữ những tài liệu quý giá phản ảnh sự hình thành và hoạt động của Đội Hắc hải Hoàng Sa đời nhà Nguyễn (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19). Theo sách sử ghi chép lại thì đội quân này do các đội trưởng Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và Võ Văn Khiết - người ở làng An Vĩnh chỉ huy đi khai thác sản vật và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều người trong Đội Hắc hải Hoàng Sa ngày ấy đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo Hoàng Sa, được Tổ quốc mãi mãi ghi công và nhân dân tưởng nhớ. Dinh thờ Đội trưởng Đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết đã được tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa. Còn di tích tiêu biểu là “Âm Linh Tự” đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, bà con trên đảo tổ chức lễ “khao lề thế lính Hoàng Sa” và có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đua thuyền để tưởng nhớ linh hồn lính Hoàng Sa đã hy sinh trên vùng biển của Tổ quốc thân yêu. Nơi đây, tỉnh Quảng Ngãi vừa đầu tư xây dựng hoàn thành tượng đài Hoàng Sa rất uy nghi - một biểu tượng hùng hồn của đội quân Hoàng Sa năm xưa đã tiến ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền vùng biển- đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam...

Đảo Lý Sơn gánh trên vai hai nhiệm vụ lớn là phát triển kinh tế gắn với xây dựng an ninh, quốc phòng vững chắc. Đặc biệt, kinh tế biển chiếm ưu thế trên đảo. Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu lớn với đội tàu đã tăng liên tục hàng năm. Nơi vùng biển - đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam được nhân dân Lý Sơn bất chấp hiểm nguy, thường xuyên đưa đội tàu ra vừa khai thác hải sản vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Gần đây, nhiều đội tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu nước ngoài bắt giữ trái phép, hành hung ngư dân và thu tài sản, hải sản khai thác được. Ngư dân Lý Sơn đã hình thành những tổ, đội đánh bắt xa bờ với hàng trăm chiếc tàu, kiên cường ra khơi khai thác hải sản, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nổi tiếng đảo tỏi

Từ lâu, người dân đảo Lý Sơn đã nổi tiếng về nghề trồng hành, tỏi. Tỏi Lý Sơn có mùi cay nồng khác biệt. Chính nhờ đó, nông dân trồng tỏi ở đây đã xây dựng được thương hiệu tỏi Lý Sơn không những có tiếng trong nước mà cả nước ngoài.

Nông dân đảo Lý Sơn hàng năm sản xuất trên diện tích khoảng 550 ha hành, tỏi với sản lượng hơn 4.100 tấn. Đây là một trong những nguồn sống chính của bà con ở đảo. Một nông dân ở xã An Vĩnh đã có nhiều kinh nghiệm trồng tỏi tâm sự: Cái nghề trồng tỏi thấy thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Trồng tỏi thì dễ, nhưng để trở thành thương hiệu tỏi Lý Sơn thì không dễ tí nào. Cái tính nết, đặc trưng của cây tỏi không chỉ tính bằng thời vụ mà còn am hiểu về kinh nghiệm, mới có năng suất cao và bảo đảm giữ được hương vị đặc trưng của tỏi Lý Sơn. Cách trồng tỏi ở đây phải dựa vào yếu tố thời tiết hàng năm. Mà thời tiết thì luôn thay đổi và rất khắc nghiệt đối với vùng đảo. Theo kinh nghiệm của nông dân trên đảo là sau mỗi vụ thu hoạch phải thay đất, thay cát rồi mới xuống giống. Giờ đây nhiều gia đình ở đảo có nhà xây, xe máy và đời sống ổn định cũng nhờ sản xuất tỏi, hành. Dù giá cả thị trường luôn biến động nhưng hầu hết người dân đảo Lý Sơn đều giữ vững cây truyền thống và ngày càng mở rộng diện tích sản xuất cây tỏi với năng suất và sản lượng ngày càng cao.

Đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch

Vài năm trở lại đây, nhiều công trình dự án thuộc chương trình biển Đông, hải đảo phục vụ dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng trên đảo Lý Sơn, trong đó có hàng chục công trình đã và đang từng bước phát huy có hiệu quả. Dự án xây dựng tuyến kè chắn sóng đông nam đảo Lý Sơn có chiều dài gần 6.000m với số vốn gần 150 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân địa phương từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chống sạt lở, xói mòn tuyến ven biển quanh đảo. Dự án vũng neo trú tàu thuyền An Hải cũng là công trình đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế.

Một số công trình trọng điểm của huyện đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng như: dự án Nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, công trình sửa chữa cầu cảng cá có vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường trung tâm huyện vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dự án xây dựng hồ chứa nước Thới Lới vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Đây là những công trình khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân đang sinh sống trên đảo.

Đảo Lý Sơn hiện có gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại như: chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa, núi Thới Lới trên đảo Lớn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được các nhà khảo cổ học trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu.

Đảo Lý Sơn đang dần thay da đổi thịt. Cái gốc vẫn là lo cho dân “ăn no, mặc ấm”. Huyện đã thực hiện giảm dần các hộ nghèo; chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và người già neo đơn có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình trên đảo đã có cuộc sống sung túc hơn. Các công trình phúc lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng mọc lên nhanh chóng, phục vụ thiết thực cho người dân. Cuộc sống mới nơi biển - đảo thân yêu của Tổ quốc đang bừng sáng!

C.T (tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=282
Quay lên trên