Những nông dân 8x biết làm giàu

Cập nhật: 30-09-2011 | 00:00:00

Nhờ vào nhiều điều kiện, nhiều nông dân trẻ ở xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) đã biết làm kinh tế, từ nghèo vươn lên khá giả... Nhờ mạnh dạn làm kinh tế, lá giang là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Thanh Lý

“Học đi đôi với hành”

Ngoài việc phụ trách Ban điều hành ấp Tân Hóa, anh Lữ Văn Sáu còn thử nghiệm mô hình nuôi ếch với nguồn vốn ban đầu khoảng 20 triệu đồng dùng trong việc xây dựng chuồng trại và mua ếch giống. Ban đầu, anh nuôi giống rồi bán ếch thịt. Dần dần, anh học thêm kỹ thuật ếch sinh sản, cung cấp ếch giống, góp phần nâng thu nhập cao hơn. Hiện tại, với mô hình này, hàng tháng, anh thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng.

Cũng như anh Sáu, anh Hà Minh Hải ở ấp Vĩnh Trường sau khi được tập huấn về kỹ thuật nuôi, cũng đã khéo léo kết hợp nuôi 4 loài: ếch - sâu - dế - rắn. Từ mô hình chăn nuôi này, anh đã đáp ứng nhu cầu cho các quán ăn, cửa hàng và thu lợi từ 5- 6 triệu đồng/tháng. Anh nói, việc học tập những mô hình làm kinh tế là rất thiết thực cho thanh niên (TN), nhất là TN nông thôn.

Anh Nguyễn Hữu Phúc, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Vĩnh Hiệp cho biết: “Nhằm hỗ trợ TN làm kinh tế đạt hiệu quả, Ban Chấp hành Đoàn xã đề ra chương trình phối hợp với các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân mở các lớp đào tạo về kiến thức, học tập kinh nghiệm nhiều nơi, hỗ trợ vốn để TN yên tâm kinh doanh, sản xuất. Trong năm 2011, Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 55 TN vay số tiền hơn 600 triệu đồng để làm kinh tế và mở rộng mô hình”.

“Có gan thì làm giàu”

Đối với anh Nguyễn Minh Tuấn ở ấp Tân An thì bắt đầu từ việc nuôi gà thả vườn lấy thịt, nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư vốn để nhân rộng mô hình, đến nay, anh đã có gần 1.000 con gà thả vườn, thu nhập mỗi đợt gà xuất thịt khoảng 17 triệu đồng. Với thu nhập này, anh đã tích lũy và sẽ nhân rộng trang trại trong tương lai.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Lý ở ấp Vĩnh An cũng là một trong những hộ gia đình trồng lá giang có hiệu quả kinh tế. Không muốn mảnh đất trống khoảng 1.000m2 của gia đình để hoang phí, anh Lý đã chủ động bỏ vốn 30 triệu đồng để mua xi măng về đổ trụ và cây chà để thân cây quấn quanh rồi chịu cực tìm hái hạt giống để giảm bớt chi phí. Anh Lý chia sẻ: “Lá giang dễ trồng, thích hợp với đất thịt, chịu nước lại ít sâu bệnh, công chăm sóc không nhiều nên tôi mới có thể vừa làm ở trạm điện vừa dành thời gian cho việc trồng trọt”. Khoảng 2 tháng, vườn lá giang nhà anh Lý có thể đạt năng suất trung bình 1,5 tấn, số tiền thu được từ 6 - 10 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Lý mong muốn giá cả ổn định để người nông dân yên tâm và có thể xấy khô lá giang, đóng gói xuất khẩu.

Ngoài những nông dân 8x này, chúng tôi còn được nghe nhắc đến nhiều mô hình TN làm kinh tế khác như Nguyễn Tiến Quân có mô hình trồng hoa lan, Phạm Giang Bích Loan kinh doanh hoa tươi... Có thể nói, phong trào làm kinh tế trong TN ở xã Tân Vĩnh Hiệp không ngừng phát triển, nhiều mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gia đình. Và các bạn đã phát huy được khả năng làm kinh tế, tự khẳng định mình, vươn lên trong cuộc sống và làm giàu chính đáng.

KIM VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên