Sáng 11-12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức trong công tác an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh lao động (VSLĐ) tại doanh nghiệp (DN). Tại đây, các đại biểu đại diện các cấp, các ngành và DN đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), cũng như xây dựng môi trường lao động an toàn cho người lao động (NLĐ).
Ông Trần Thanh Liêm (thứ 2, bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho CN Phạm Văn Nên (TX.Thuận An) bị TNLĐ
TNLĐ - nỗi đau còn đó
Trong căn phòng nhỏ do Công ty Nam Việt (TX.Tân Uyên) bố trí để gia đình anh Nguyễn Văn Trị sinh sống, chúng tôi được nghe về câu chuyện thương tâm của anh khi bị TNLĐ. Trong lúc đi kiểm tra đường dây điện vào đêm mưa, anh vô tình đạp phải múi điện bị hở và bị giật. Sau khi tỉnh dậy, anh mới biết mình bị điện giật rất nặng phải cắt bỏ tay trái và chân trái bị tê liệt. Giờ đây, mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn trên đôi vai gầy của người vợ khi phải chăm sóc chồng, lo cho 5 đứa con thơ. Anh tâm sự, những ngày đầu trở về với gia đình, anh rất chán nản thường lánh mặt mọi người. Cảm thông trước khó khăn, vất vả của gia đình anh, công ty đã trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ chỗ ở, giúp các con anh đến trường nên cũng phần nào được an ủi. Đây là niềm động viên rất lớn để anh tiếp tục sống có ích, chăm lo cho bản thân và gia đình.
Bị TNLĐ do máy cuốn, anh Lâm Quang Trí (SN 1973), công nhân Công ty Cổ phần Bao bì MM Vidon (KCN Sóng Thần 3, TP.Thủ Dầu Một) bị mất đi bàn tay trái. Mặc dù được Ban giám đốc, công đoàn công ty động viên, bố trí việc làm với mức lương mỗi tháng gần 4 triệu đồng, nhưng trong tâm trí anh vẫn còn đó nỗi đau ngày nào. Anh kể, chỉ một phút lơ là với công việc mà bản thân phải chịu hậu quả suốt cuộc đời. Là một người lành lặn giờ mất đi cánh tay, cuộc sống vô cùng khó khăn, do đó anh luôn mong những công nhân đang làm ở môi trường nguy hiểm hãy chú ý, cẩn thận, luôn ý thức cảnh giác trong công việc. “Bị TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn làm khổ gia đình và xã hội. Do đó, các bạn hãy nhớ mang bảo hộ lao động, chú ý cẩn thận trong công việc để không phải hối tiếc”, anh nói.
Trường hợp trên chỉ là hai trong số hàng trăm CNLĐ bị TNLĐ theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH. Lý giải nguyên nhân bị TNLĐ, ông Dương Chí Thạch, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, các vụ TNLĐ chủ yếu do điện giật, ngã từ trên cao, va đập mạnh, máy cuốn đổ đè… Nguyên nhân TNLĐ do người sử dụng lao động không xây dựng các biện pháp an toàn, chấp hành pháp luật chưa đầy đủ như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy… Về phía NLĐ chưa được huấn luyện an toàn VSLĐ, ý thức, trách nhiệm kém, chủ quan bất cẩn không tập trung vào công việc.
Tăng cường phòng chống TNLĐ
Để hạn chế TNLĐ, bảo đảm an toàn cho NLĐ, nhiều năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra về công tác thực hiện ATLĐ. Trong 2 năm 2014-2015, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tuyên truyền Tuần lễ Quốc gia an toàn VSLĐ - phòng chống cháy nổ, thu hút hơn 1.000 người tham gia hưởng ứng; phát hành 9.300 tờ rơi, 1.050 áp phích, 3.600 ấn phẩm tuyên truyền về phòng chống TNLĐ và bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn DN gắn 65 panô khẩu hiệu, treo trên 6.000 băng rôn tuyên truyền; hỗ trợ huấn luyện an toàn, VSLĐ. Công tác quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn VSLĐ, năm 2014, 2015 có 43.321 lượt máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn VSLĐ gửi báo cáo với Sở LĐ-TB&XH. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên với việc tổ chức 20 cuộc thanh kiểm tra liên ngành tại 208 DN về việc thực hiện pháp luật lao động, bảo hộ lao động…
Ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, về phía các DN cũng đã chủ động phòng ngừa TNLĐ cho NLĐ để bảo đảm môi trường làm việc an toàn, ổn định sản xuất, phát triển DN. Tại Công ty TNHH Wattens Việt Nam (KCN VSIP II), hàng năm công ty phối hợp với các cơ quan chức năng để huấn luyện công tác an toàn VSLĐ đầy đủ cho các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức theo quy định. Bên cạnh đó, các yêu cầu về huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, sơ cấp cứu, an toàn cơ bản về phóng xạ… cũng được ban lãnh đạo công ty quan tâm và bố trí cán bộ, công nhân viên có liên quan tham gia đầy đủ. 100% cán bộ, công nhân viên được cấp phát và trang bị trang thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ; chi 200 triệu đồng/ năm để thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động. Ông Phùng Kim Toàn, cán bộ phụ trách công tác an toàn - sức khỏe - môi trường của công ty nói, trong năm, cán bộ phụ trách an toàn công tác thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác ATLĐ tại nơi làm việc. Trong khuôn khổ các cuộc họp sản xuất hàng ngày và họp an toàn hàng tháng, các mối nguy tiềm ẩn và những điểm không phù hợp được phát hiện, báo cáo trực tiếp cho Ban lãnh đạo và các phòng ban có liên quan thực hiện các điều chỉnh và áp dụng các biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một tỉnh phát triển về công nghiệp, đã có hàng ngàn DN được thành lập. Các DN này hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp như sản xuất hóa chất, khái thác đá, thi công xây dựng, sản xuất thép… Mặc dù các ngành đã nỗ lực đưa ra những giải pháp bảo đảm ATLĐ nhưng số vụ TNLĐ có xu hướng tăng, môi trường lao động chưa bảo đảm, các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, hơi khí độc vượt tiêu chuẩn cho phép và chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện bảo hộ lao động ở các DN, tuyên truyền đến NLĐ ý thức tự bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc. Như vây, mới mong kéo giảm tình trạng TNLĐ, đem lại niềm vui, an tâm cho NLĐ, sự ổn định lâu dài của DN.
THIÊN LÝ