Khoảng 5 tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành gỗ, may mặc, da giày, điện tử, xe đạp... gặp khó vì thiếu đơn hàng. Một số DN buộc cắt giảm giờ làm, thu hẹp sản xuất, thậm chí giảm lao động khiến đời sống của nhiều công nhân lao động gặp khó. Người lao động (NLĐ) đang cố gắng bám trụ với công việc, mong khó khăn sớm trôi qua, nhưng đang lo về khâu thưởng tết. Các cấp công đoàn trong tỉnh, một số DN đang phấn đấu để chăm lo tết chu đáo cho NLĐ.
Doanh nghiệp nỗ lực
Anh Nguyễn Ngọc Hữu, công nhân Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DDK Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một), cho biết những tháng gần đây, hầu hết NLĐ tại DN chỉ làm việc cầm chừng theo giờ hành chính. “Nếu trước đây tổng thu nhập cộng với tiền tăng ca là trên 10 triệu đồng/tháng thì nay khoảng 6 - 7 triệu đồng. Với số tiền trên, tôi chỉ đủ thuê tiền trọ, tiền xăng, tiền ăn, tiết kiệm lắm mới sống được. Do khó khăn nên một số lao động xin nghỉ việc, bản thân tôi cũng không biết trụ được bao lâu. Gần tết rồi, chúng tôi cố gắng lao động để mong nhận được ít tiền thưởng tết, chi tiêu cuối năm”, anh Hữu nói.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lao động việc làm ở Bình Dương khá tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng tình hình thế giới, một số DN bị mất đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhất là DN may mặc, da giày, điện tử, gỗ... Có thời điểm, mỗi ngày sở ký quyết định cho 400 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hàng chục ngàn người mất việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Công đoàn các cấp đang phối hợp với các DN để có kế hoạch chăm lo tết chu đáo cho NLĐ. Trong ảnh: Công đoàn tặng quà Tết Nhâm Dần 2022 cho NLĐ
Điển hình như tại TX.Tân Uyên, địa phương tập trung nhiều DN sản xuất trong ngành gỗ, đã có hàng ngàn lao động bị giảm giờ làm, một số tạm hoãn hợp đồng lao động. Tại TP.Thủ Dầu Một, nhiều DN tại Khu công nghiệp Sóng Thần III, Kim Huy không còn mặn mà tuyển dụng lao động ồ ạt như trước.
Đại diện Công ty TNHH Gỗ Tân Nhật (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), một trong những đơn vị lớn trong sản xuất ngành gỗ trên địa bàn này cho biết, gần đây công ty nỗ lực tìm kiếm từng đơn hàng, tạo việc làm để giữ chân NLĐ. Tiền thưởng tết cho công nhân đang được Ban Giám đốc công ty tính toán, cố gắng ngang với mức thưởng tết năm 2022. Còn ông Trần Sỹ Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nội thất Mê Kông (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Năm nay dù gặp không ít khó khăn, có giảm giờ tăng ca, nhưng DN vẫn giữ được thu nhập bình quân cho NLĐ, cũng như các chế độ. Năm nay, công ty bảo đảm tiền thưởng tết sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2022”.
Công đoàn phấn đấu
Nhìn thấy những khó khăn của NLĐ, các cấp công đoàn trong tỉnh đang tính toán, vận động hỗ trợ từ các nguồn để tặng quà, thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các đơn vị trực tiếp vận động các DN đang gặp khó cố gắng chăm lo tết cho NLĐ.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết từ nay đến cuối năm, sở sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các cấp công đoàn rà soát tổng thể những DN gặp khó, khó đến mức nào để có phương án chăm lo NLĐ. Qua kết quả khảo sát, có số lượng cụ thể, sở sẽ xin kinh phí chăm lo từ nhiều nguồn như từ UBND tỉnh, chính quyền địa phương, kinh phí của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Công đoàn các cấp còn vận động các DN hỗ trợ NLĐ bằng các “phiên chợ 0 đồng”, bán hàng giảm giá...
Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết đơn vị đang phối hợp với công đoàn các cấp trong tỉnh chủ động nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, NLĐ; qua đó có các giải pháp nhằm động viên, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, nhất là NLĐ bị mất việc hoặc giảm sâu thu nhập. Qua nắm bắt, LĐLĐ tỉnh đã có danh sách của 29 DN trên địa bàn cần tuyển dụng 9.221 lao động từ nay đến cuối năm để hỗ trợ những lao động mất việc, bảo đảm thu nhập, giúp NLĐ vượt qua khó khăn.
LĐLĐ tỉnh cũng vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện “Chương trình phúc lợi đoàn viên” giữa LĐLĐ tỉnh và các DN, đối tác, đề ra phương hướng chăm lo NLĐ. Hầu hết các đơn vị tham gia “Chương trình phúc lợi đoàn viên” đã cam kết bán hàng ưu đãi, bảo đảm chất lượng, đa dạng các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, các đơn vị giảm giá từ 10 - 50%/trên sản phẩm. Thông qua hoạt động “Tết sum vầy”, các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ phối hợp với đối tác tổ chức các hoạt động bán hàng và dịch vụ ưu đãi cho đoàn viên, NLĐ khó khăn. Nhiều đơn vị phúc lợi còn tham gia các hoạt động tặng quà, ủng hộ kinh phí...
QUANG TÁM