Phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp: Phải là chiến lược trục của nền kinh tế

Cập nhật: 26-03-2013 | 00:00:00

 

 Theo bà Phạm Chi Lan (đứng), kết nối giữa DN với KHCN vẫn đang là vấn đề nan giải 

 Doanh nghiệp còn… tự “bơi”!

Là người đi tiên phong trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất tại công ty của chính mình, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, cho biết để có được công nghệ cho ra đời sản phẩm tốt như ngày hôm nay ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của. Từ năm 1996, khi đã có một số vốn nho nhỏ cộng với kiến thức tích tụ được ông bắt đầu thực hiện ước mộng từ thời còn là cậu bé đi xem triển lãm gốm sứ ở Lái Thiêu. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào thì quả là mông lung vì trước giờ chỉ sản xuất gốm nay chuyển sang sứ là hoàn toàn mới mẻ. Vì thế, ông Minh bắt đầu một cuộc “chu du” từ Nhật Bản sang Đức, Ý, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… chỉ để tìm chọn công nghệ. Cuối cùng, ông quyết định chọn công nghệ của Đức để phát triển sản phẩm của công ty mình.

“Tôi nghĩ DN muốn tồn tại trước hết phải tự thân đổi mới. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, mạnh thì DN nào cũng cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước như chính sách, thuế để khi họ đầu tư công nghệ mới thì được hưởng chính sách thuế giá trị gia tăng thấp hoặc được miễn một phần thuế lợi tức giúp DN tăng thêm nguồn vốn đầu tư mạnh vào sản phẩm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp để DN mạnh dạn đầu tư vào công nghệ ”

(Ông Lý Ngọc Minh)

Để có sản phẩm chất lượng cao đạt yêu cầu như mong muốn, Công ty Minh Long I phải đầu tư một lúc công nghệ của 5 hãng từ sản xuất nguyên liệu đầu vào đến khuôn mẫu, men màu…; đồng thời nhập máy tự động hóa CNC để phục vụ sản xuất. Tính đến giai đoạn này, Minh Long I là đơn vị thứ 2 trong cả nước nhập loại máy này. Tất nhiên, không phải máy   tự động hóa hoàn toàn vì sản xuất sản phẩm gốm sứ khá phức tạp, nhiều công đoạn, chi tiết. Theo ông Lý Ngọc Minh, nếu nói đổi mới công nghệ thì đầu vào là cực kỳ quan trọng, bởi không có một con gà ngon, con tôm tươi thì đầu bếp không thể chế biến ra một món ăn ngon. “Do đó, chúng tôi phải học hết tất cả các công nghệ của đầu vào này để có Công ty Minh Long I như ngày hôm nay”, ông Lý Ngọc Minh, nói.

TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cũng cho rằng phải có những chính sách để bảo vệ DN sáng tạo. “Nên đặt một hàng rào quan thuế để chống bán hàng phá giá trên thị trường của mình, như thế các DN sáng tạo KHCN mới có đất sống. Một điều không công bằng thể hiện rõ ở đây, cụ thể như một bản in ốp-sét, nếu mình xuất khẩu sang Trung Quốc phải đóng 17% tiền thuế còn nếu nhập từ Trung Quốc về chỉ có 5% tiền thuế. Trung Quốc hỗ trợ cho DN xuất khẩu của họ rất tốt nên hàng hóa có giá thành rất mềm, dễ xuất khẩu”, TS Mỹ nói.

Thoát “chết” nhờ KHCN

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Ông Thăng cho biết, nếu không có đội ngũ GS - TS thuộc trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty thì khó mà tồn tại, chưa nói đến phát triển. “Chúng tôi mời các nhà khoa học ở các trường, viện đã thôi nhiệm vụ quản lý hoặc còn đương nhiệm về giúp cho công ty; đồng thời thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển cho công ty do đội ngũ các nhà khoa học này đảm nhiệm để phục vụ cho DN. Nhờ những kiến thức khoa học ấy, chúng tôi đã rút ngắn được khoảng cách rất lớn về KHCN. Thực sự, không có khoa học thì công ty chúng tôi đã không còn tồn tại...”, ông Thăng nói.

Minh họa cho điều này, ông Thăng đưa ra ví dụ, tháng 9-2012, Chính phủ ra quyết định ngày 1-1-2013 sẽ cấm sản xuất, lưu hành đèn dây tóc trên 60W. Trong khi đó năm 2012, công ty đã sản xuất 48 triệu đèn dây tóc, trong đó đèn trên 60W chiếm tới 47%. Vì thế, nếu cấm thì hơn một nửa doanh thu và hơn 200 công nhân của công ty phải nghỉ việc. Làm thế nào để nhanh chóng chuyển đổi nhằm sản xuất ra những sản phẩm xã hội đang cần như đèn compact, đèn led bảo vệ môi trường… trong khi đội ngũ công nhân cũ chưa thể làm được, còn muốn đào tạo cũng phải mất tới 5 năm. Tuy nhiên, từ những kiến thức của các nhà khoa học, các GS nên mọi chuyện trở nên thuận lợi và chúng tôi chuyển đổi rất nhanh. Nhờ vậy mà trong những năm qua, lợi nhuận của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, bất chấp nền kinh tế khó khăn.

 Không thể có cơ chế xin - cho

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nhấn mạnh ngoài phát triển chuyện làm ăn, DN còn phải phát triển KHCN. Tuy nhiên, việc kết nối cộng đồng DN với KHCN để có nền tảng phát triển tốt hơn lại chưa thành công. “Chúng ta hiện có tới 400 viện mà chưa kết nối được bao nhiêu với DN. Ngay cả lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, xuất khẩu đứng vào hàng đầu, oai phong lắm nhưng về chất lượng và giá cả so với các nước không thể bằng. Năm ngoái, Việt Nam tự hào xuất khẩu hơn Thái Lan 1 triệu tấn gạo nhưng lại thua Thái Lan 1 tỷ USD. Cà phê cũng vậy, xuất khẩu nhiều nhưng giá cả so với các nước thì còn một khoảng cách khá xa. Do đó, kết nối giữa DN với KHCN vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải. Ngay cả những DN đã tự mình đổi mới KHCN thành công vẫn còn gặp một loạt rào cản. Câu chuyện vướng mắc về thể chế, cơ chế bao nhiêu năm rồi nhưng đến bây giờ nói ra vẫn như những ngày đầu tiên mà Thủ tướng  Phan Văn Khải gặp gỡ DN vào năm 1997 ấy”, bà Lan nói.

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Số lượng DN áp dụng KHCN vào sản xuất của ta còn khá khiêm tốn

  Chúng tôi rất tự hào về những DN như Minh Long I, Trung Nguyên, Naiscorp, Rạng Đông… Lãnh đạo những DN này rất tích cực trong đổi mới công nghệ và đã thành công. Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn như vừa qua, những DN này vẫn phát triển bền vững. Điều đó minh chứng KHCN là nền tảng, then chốt cho phát triển. Chỉ những DN nào có KHCN vượt trội mới vượt qua được thách thức và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc tọa đàm nữa để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với DN, những nhà khoa học để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp trình Chính phủ xem xét ban hành, nhằm tạo sự thuận lợi cho DN trong phát triển KHCN.

Đề cập DN KHCN, PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: “Có một bất cập là ai muốn đổi mới phải đi xin, nhiều tỉnh, thành phải xin cơ chế để đổi mới, trong khi đó lẽ ra phải khuyến khích. Do vậy mà ai cũng than, cũng mệt mỏi vì cơ chế xin - cho này. Hiện nay, thế giới đang chuyển vào KHCN và Việt Nam đang nhập cuộc vào đấy thì cần phải có chính sách, hành động như thế nào…”. Theo PGS Trần Đình Thiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mấy năm gần đây tụt giảm nghiêm trọng, trong 2 năm vừa rồi đất nước mình tụt mất 16 bậc so với thế giới. Do đó, muốn có DN KHCN thì về mặt thể chế phải bảo đảm cho DN ấy tồn tại. DN KHCN là loại DN cần cạnh tranh nhất, cho nên trên hệ thống thị trường phải là thị trường cạnh tranh tự do, nếu không DN sẽ không có động lực đổi mới. Phải nhìn DN KHCN như một đội ngũ dẫn dắt kinh tế đất nước phát triển. Chiến lược KHCN phải là chiến lược trục của phát triển kinh tế - xã hội, chừng nào chưa đặt nó đúng vị trí thì kinh tế chưa thể đột phá được.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=256
Quay lên trên