Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình, mô hình trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự án giảm thiểu rác thải và mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Xe chuyên dụng thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Dĩ An
Giảm thiểu rác thải
Năm 2020, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương và Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu (GEF) đồng tài trợ cho dự án tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Dĩ An. Dự án được UBND tỉnh giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện với tổng kinh phí toàn dự án là 120.000 USD, với nguồn vốn đối ứng của tỉnh là 60.000 USD.
Bà Đinh Sao Mai, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương, cho biết “Dự án nhằm giảm thiểu rác thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân, rác thải công nghiệp, thương mại dịch vụ ở các ngành kinh tế, các trường học, các trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí… và nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội”.
Dự án gồm các mục tiêu cụ thể như tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp rác thải và rác thải nhựa; mô hình thu gom rác thải tái chế và phát triển mô hình sinh kế cho cộng đồng ở Dĩ An; thí điểm huy động nguồn lực cộng đồng vào chương trình phân loại rác và biến rác thải thành vườn hoa; nhân rộng phân loại rác tại nguồn tại Dĩ An.
Bà Lê Ngọc Hà, tổ trưởng Tổ quản lý môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Dĩ An, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Dĩ An đã đẩy mạnh giám sát việc thực hiện phân loại rác của các hộ dân trong khu TTHC định kỳ 1 tuần/lần, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Được sự ủng hộ và đồng lòng của người dân, tỷ lệ phân loại tại khu vực thí điểm luôn được duy trì từ 98 - 99,1%. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh cùng thành công của chương trình thí điểm, phòng TNMT đã tham mưu UBND thành phố tổ chức phân loại rác tại nguồn trong các trường học trên địa bàn”.
Bà Hà cho biết thêm: “Để công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngày càng được nhân rộng, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc tiếp tục quyết liệt thực hiện kế hoạch, phòngTNMT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cách thức, lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn cũng như các biện pháp chế tài khi không thực hiện phân loại; triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn trong học đường, tính toán kinh phí hỗ trợ cho đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt phục vụ cho kế hoạch phân loại rác tại nguồn, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát thực hiện phân loại rác tại nguồn”.
Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương cũng tham gia tài trợ cho các nội dung như tổ chức trao thưởng cho các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn phường Dĩ An có thành tích tốt trong chương trình phân loại thu hồi vỏ hộp sữa; tài trợ cây xanh, ghế đá… cho mô hình xóa điểm ô nhiễm biến bãi rác thành vườn hoa triển khai trên các bãi đất trống do địa phương đang quản lý; tổ chức trao thưởng cho phong trào thi đua thực hiện mô hình xóa điểm ô nhiễm, biến bãi rác thành vườn hoa; tài trợ các thùng rác 2 ngăn trong Khu dân cư Sóng Thần thuộc khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An để phân loại rác tại nguồn với tổng số tiền gần 180 triệu đồng.
Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Ngoài hàng loạt hoạt động như đã nêu ở trên, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại trụ sở làm việc của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật & Tài nguyên môi trường và Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương. Mô hình với mục tiêu hình thành thói quen về phân loại rác tại nguồn cho cán bộ công nhân viên của 2 đơn vị và nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác tại trụ sở.
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương đã tài trợ in ấn nhãn, tờ rơi hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tài trợ thùng rác 2 ngăn để phân loại rác. Trên mỗi thùng rác đều được dán nhãn phân loại gồm rác thải hữu cơ, rác thải khác. Đối với rác thải hữu cơ, sau khi phân loại sẽ được nhân viên tạp vụ thu gom và chuyển đến vị trí tập kết rác hàng ngày. Đối với rác thải khác như giấy, chai nhựa… sẽ được thu gom và bán cho các đơn vị thu mua, tái chế định kỳ 1 tuần/lần. Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên Môi trường có nhiệm vụ thực hiện các hình thức tuyên truyền, vận động và giám sát việc phân loại, báo cáo kết quả của việc thí điểm mô hình trên.
Bà Đinh Sao Mai, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương, cho biết thêm: “Hoạt động tài trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương hàng năm đều dựa trên nội dung kế hoạch hoạt động quản lý trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, đoàn thể, cá nhân nhận thức tốt và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Năm nay, với sự tham gia của Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh”.
PHƯƠNG LÊ