Quy định nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”: Thiết thực bảo vệ quyền lợi lao động nữ

Cập nhật: 14-12-2015 | 09:02:48

Từ ngày 15-11, lần đầu tiên lao động nữ (LĐN) được nghỉ 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 3 ngày một tháng vào kỳ “đèn đỏ”. Đây là một tín hiệu mừng đối với tất cả chị em là công nhân lao động (CNLĐ).

CNLĐ nữ ngày càng được quan tâm, chia sẻ Ảnh: T.V

Rất cần thiết!

Trong chương II, điều 7, Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với LĐN có quy định: LĐN trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút mỗi ngày, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của LĐN. Đây được coi là một quy định thể hiện sự quan tâm, “thấu hiểu” những khó chịu của LĐN trong ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, nhiều LĐN đến nay vẫn còn xa lạ với quy định này.

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân (CN) Công ty Shyang Hung Chen cho biết: “Tôi chưa nghe đến vấn đề được nghỉ vào ngày này, mặc dù có vẻ hơi ngạc nhiên nhưng nếu được nghỉ thì rất tốt”. Chị kể, vào ngày này quả thực rất khó chịu, đau lưng, đau bụng, người mệt mỏi, không muốn làm gì, chỉ muốn nghỉ ngơi. Còn chị Bùi Thị Nga, Công ty TNHH MTV may mặc Bình Dương nói: Khi nghe đến quy định được triển khai, nhiều LĐN rất phấn khởi vì thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những khó khăn của nữ giới. Nhiều lúc LĐN muốn nghỉ mà không biết đưa ra lý do vì đây là một vấn đề tế nhị.

Vấn đề của chị em nữ CNLĐ không biết chia sẻ cùng ai, bây giờ được quy định rõ ràng nên chúng ta có thể coi đó là một vấn đề sinh lý bình thường mà tất cả mọi người có thể hiểu và cảm thông. Bày tỏ sự đồng tình, Quân, một nam giới Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình chia sẻ: “Bình thường nhìn vợ nhăn nhó trong những ngày này, tôi mới biết là “đèn đỏ” rất khó chịu. Vì thế, tôi rất ủng hộ quy định này, nó thể hiện sự bình đẳng, cảm thông sâu sắc đến phái nữ, đó là một sự tiến bộ được “luật hóa” . Tôi nghĩ đây là một chính sách bảo vệ quyền lợi LĐN thiết thực”.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Đây là quy định hết sức nhân văn, chia sẻ được vấn đề sức khỏe của LĐN. Theo nghị định, các doanh nghiệp bắt buộc phải thông báo tới người lao động một cách rõ ràng, phải phổ biến cho chủ sử dụng lao động để họ nắm các quy định thực hiện đúng, còn nghỉ hay không là do người lao động có thể thương lượng với doanh nghiệp cho phù hợp.

Tháo gỡ vướng mắc từ doanh nghiệp

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Chí Hùng cho biết: “Là người phụ nữ, tôi rất mừng khi sức khỏe của người phụ nữ Việt Nam được Chính phủ quan tâm. Tôi nhìn nhận tính nhân văn trong quy định này. Với doanh nghiệp có khoảng 80% lao động là nữ như công ty chúng tôi thì ít nhiều có sự xáo trộn khi áp dụng quy định. Tuy nhiên, Chính phủ đã quy định thì chúng ta chắc chắn phải thực hiện, chủ động sắp xếp sản xuất để không ảnh hưởng đến hiệu suất lao động của công ty, nhất là vào thời điểm có nhiều đơn hàng gấp. Nếu LĐN không có nhu cầu nghỉ 30 phút mỗi ngày “đèn đỏ” thì công ty phải tính toán thế nào để bảo đảm quyền lợi cho LĐN mà không vi phạm pháp luật”.

Tại cuộc họp giao ban quý III-2015 của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, một số doanh nghiệp cho biết đã thực hiện vấn đề này trước khi chưa có Nghị định của Chính phủ. Một số doanh nghiệp cũng có ý kiến rằng, hơi khó thực hiện đối với những doanh nghiệp có đông LĐN, vì thực tế khó kiểm soát, khó đăng ký, bởi vấn đề này rất “tế nhị”. Ngoài ra, còn có nhiều vướng mắc trong việc xây dựng buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế để đáp ứng cho nhu cầu của chị em phụ nữ là CNLĐ.

Việc nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho LĐN là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động. Sức khỏe có bảo đảm thì hiệu quả công việc mới cao. Chị em phụ nữ nên coi đây là vấn đề sinh lý bình thường. Việc còn lại là mong những người sử dụng lao động hiểu đó là trách nhiệm, sự sẻ chia với nhân viên, CNLĐ công ty để LĐN được thoải mái hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

 

 HUỲNH THỦY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1063
Quay lên trên