Sản xuất cao su tờ RSS: Hướng đi bền vững cho cao su tiểu điền

Cập nhật: 23-11-2011 | 00:00:00

Hiện nay, cao su tiểu điền (CSTĐ) trong nước chiếm tỷ lệ cao về diện tích cũng như sản lượng. Để phát triển công nghệ sơ chế phù hợp với quy mô nhỏ và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nhà chế biến, mô hình sản xuất cao su (CS) tờ xông khói RSS đang là hướng đi tốt, mở ra cơ hội cho CSTĐ nâng cao hiệu quả kinh tế, chủ động đầu ra và tránh bị o ép giá...  Doanh nghiệp sản xuất lốp cùng hộ cao su tiểu điền tham quan mô hình sản xuất cao su tờ RSS của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tại Bến Cát  

Tiềm năng từ CSTĐ

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội CS Việt Nam (VRA), trong những năm qua sản lượng CSTĐ trong nước tăng trưởng liên tục, đã đạt 360.000 tấn vào năm 2010 và chiếm đến 47,7% tổng sản lượng cả nước. Nhiều hộ tiểu điền đã chọn cách bán mủ nước qua thương lái để đưa về các nhà máy lớn sơ chế CS định chuẩn kỹ thuật SVR 3L chủ yếu để xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây việc pha trộn tạp chất vào mủ nước của CSTĐ đã làm cho chất lượng CSTĐ giảm sút, do vậy nhiều nhà máy hạn chế tiêu thụ CSTĐ. Mặt khác, những tiểu điền ở xa nhà máy lớn cũng khó vận chuyển kịp thời hàng ngày và làm tăng chi phí.

Trong tiêu thụ, Tổng Thư ký VRA cũng cho biết, công nghiệp chế biến sản phẩm CS ở Việt Nam đã sử dụng khoảng 140.000 tấn CS thiên nhiên năm 2010 và tốc độ tăng trưởng 10%/năm, chủ yếu để sản xuất lốp xe. Nhưng sản lượng của chủng loại phù hợp làm nguyên liệu lốp xe là SVR 20, SVR 10, RSS lại không được sản xuất nhiều trong nước. Ngay cả CS tờ RSS, chủng loại phù hợp nhất dễ áp dụng cho CSTĐ chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 3,8%. Nghịch lý hơn, theo số liệu nhập khẩu CS thiên nhiên vào Việt Nam năm 2010, chủng loại CS khối TSR 10 và CS tờ RSS có lượng nhập khẩu lớn để tiêu thụ trong nước, có đến 14.500 tấn CS tờ RSS đã nhập về trong năm 2010 nhằm phục vụ cho công nghiệp chế biến vỏ ruột xe.   

Trước lợi ích nhiều mặt của cây CS về kinh tế - xã hội và môi trường, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích tiếp tục phát triển sản lượng CS thiên nhiên, đặc biệt ở khu vực tiểu điền, nông hộ để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người trồng CS, đồng thời tăng cường nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm CS, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng CS Việt Nam. Tuy nhiên chất lượng và giá trị của sản phẩm từ CSTĐ của Việt Nam vẫn còn thấp so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Đầu ra của CSTĐ chủ yếu vẫn là dạng nguyên liệu thô bán về cho các nhà máy sơ chế ra sản phẩm xuất khẩu và thường phải qua thương lái, trung gian nên chưa đạt giá trị cao và làm giảm chất lượng nếu bị pha tạp chất. Do vậy, cần khuyến khích sơ chế CS quy mô nhỏ hướng vào những sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nhà công nghiệp trong nước là việc cần làm; trong đó áp dụng mô hình sản xuất CS tờ RSS cho CSTĐ hiện nay là hướng đi đang được quan tâm.

Giải pháp hiệu quả

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Xuân Lan, cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu CS Việt Nam, áp dụng phương pháp sơ chế CS tờ RSS cho CSTĐ là giải pháp phù hợp nhất. Công nghệ sơ chế CS tờ hướng đến nhiều mục tiêu như: Nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng vườn cây CS, đa dạng hóa chủng loại CS nguyên liệu, đề ra các biện pháp ổn định chất lượng CS nguyên liệu. Công nghệ này phù hợp và tối ưu với quy mô tiểu điền này có chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao, giải quyết nguồn lao động chưa qua đào tạo tại địa phương. Ngoài ra, giải pháp này cũng thu hút tiềm năng đầu tư của tư nhân, tiểu điền để phát triển và nhân rộng diện tích CS nhằm cung cấp lâu dài và ổn định cho các nhà máy sản xuất vỏ ruột xe trong nước.   Đại diện nhà sản xuất lốp xe nổi tiếng Kumho đánh giá cao cao su tờ RSS của Việt Nam

  Dưới góc nhìn của nhà tiêu thụ nguyên liệu, thật sự CS tờ RSS trong nước có nguồn cung không đủ cầu. Theo ông Vũ Long Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CS Đà Nẵng, CS tờ RSS có cường lực cao và rất quan trọng trong sản xuất săm lốp ô tô, xe máy; mỗi năm công ty sử dụng nhiều ngàn tấn. Cùng nhận định này, đại diện Công ty CS Miền Nam cho rằng, CS tờ RSS rất tốt cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhu cầu lớn là vậy nhưng việc sản xuất của các hộ tiểu điền còn nhỏ lẻ. Để đáp ứng đủ và ổn định lượng CS tờ RSS theo nhu cầu của doanh nghiệp rất cần việc tập hợp và chuẩn hóa nguồn CSTĐ lại với nhau. Hiện nay Công ty Vinarubi đang giúp người dân sản xuất theo phương pháp này và bao tiêu sản phẩm là hướng đi tốt và có thể tập hợp đủ lượng đáp ứng được yêu cầu về số lượng ổn định mà doanh nghiệp cần. Công ty Vinarubi sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn với số lượng lớn cho CS tờ từ nguồn CSTĐ. 

   Giữ vai trò cung cấp nguyên liệu CS các loại đến nhà máy sản xuất lốp xe, trong đó mủ tờ RSS là một trong những nguyên liệu chính, Tổng Giám đốc Công ty Vinarubi Nguyễn Kế Hưng cho rằng, để nâng cao chất lượng và giá trị của CSTĐ, giúp người trồng gắn bó lâu dài với cây CS và tham gia phát triển, củng cố thương hiệu CS Việt Nam là tâm huyết của công ty. Cũng theo ông Hưng: “Trong sản xuất lốp xe yêu cầu hàng đầu là tính ổn định chất lượng và bảo đảm khối lượng cung cấp. Tính ổn định, chất lượng CS thể hiện qua quy trình công nghệ chế biến CS tờ RSS quy mô tiểu điền phục vụ sản xuất và nội tiêu là đề tài cấp Nhà nước của Viện Nghiên cứu CS Việt Nam đã được nghiệm thu và được phép phổ biến. Công ty Vinarubi mong muốn được tiếp nhận sản phẩm CS tờ chất lượng từ các nhà sản xuất trong giới tiểu điền đã tiếp nhận quy trình công nghệ của Viện Nghiên cứu CS Việt Nam để làm nhà cung cấp chiến lược đến các nhà sản xuất công nghiệp lốp xe”.

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA):

Cao su tờ RSS rất được chú trọng ở các nước

Nhiều nước đang khuyến khích phát triển và sử dụng CS thiên nhiên để hưởng ứng xu hướng toàn cầu tăng cường sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Hiện nay, sản lượng CSTĐ trên thế giới chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn diện tích CS đại điền, trên 82%; trong đó tại Thái Lan là 95%, Malaysia 94%, Ấn Độ 90% và Indonesia 85% vào năm 2010. Nhiều nước đã rất quan tâm phát triển công nghệ sơ chế phù hợp với quy mô nhỏ và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nhà công nghiệp chế biến. Trong đó CS tờ xông khói RSS là một trong những chủng loại được sản xuất nhiều nhất để đáp ứng nhu cầu sản xuất lốp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam:

Sản xuất cao su tờ giảm chi phí và tiết kiệm

Chế biến CS tờ có quy trình công nghệ đơn giản, phù hợp với lao động địa phương; thiết bị dễ chế tạo trong nước; tính ổn định cao, các thông số kỹ thuật đã được chuẩn hóa và kiểm chứng; chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN 3769/2004 đáp ứng được nhu cầu bền vững của nhà phân phối và tiêu thụ; giảm chi phí vận chuyển... Chế biến CS tờ còn có tính thân thiện với môi trường: sử dụng năng lượng mặt trời sơ sấy, tiết kiệm nhiên liệu; lượng nước trả lại cho vườn cây giảm tác động xấu do biến đổi khí hậu toàn cầu; nước thải sau xử lý phục vụ tưới tiêu giảm lượng phân bón nhập khẩu; sản xuất trong trang trại, vườn cây, không phát tán mùi hôi trong vùng đông dân cư.

T.MINH - M.PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1034
Quay lên trên