“Sống chung” với nắng hạn

Cập nhật: 04-03-2016 | 07:07:58

Mùa khô năm 2016 được dự báo là khắc nghiệt nhất trong lịch sử 100 năm qua. Đối mặt với đợt nắng hạn khắc nghiệt này, nhiều địa phương trong cả nước đang tìm giải pháp ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại do nắng hạn gây ra. Nhiều người dân, nhất là nông dân ở các tỉnh nắng hạn diễn ra gay gắt và bị mặn xâm nhập nặng đang bắt đầu tìm cách “sống chung” với nắng hạn bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiết kiệm nước và kiếm kế sinh nhai phù hợp.

 Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì cường độ mạnh nên khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ phổ biến ít mưa, lượng mưa có xu hướng thấp hơn trung bình. Do đó tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở khu vực ven biển sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Tính đến thời điểm này, nhiều khu vực ven biển tại các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ mặn đã xâm nhập sâu, gây hại cây trồng, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích trồng lúa. Tại Tây nguyên, do nắng hạn kéo dài nên nhiều hồ chứa và sông suối đã cạn kiệt nguồn nước. Nhiều vườn cà phê, hồ tiêu đang héo úa do thiếu nước tưới, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất.

Tại Bình Dương mặc dù chưa thấy rõ tác động của nắng hạn, nhưng qua khảo sát mới đây của Chi cục Thủy lợi tỉnh, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cũng đã xuống rất thấp so với công suất thiết kế. Bên cạnh một số hồ đủ nước tưới cho cả hai vụ đông - xuân và hè - thu, có những hồ chứa nước chỉ đủ nước tưới cho vụ đông - xuân nếu thời tiết tiếp tục khô hạn và không có mưa trong thời gian tới. Mặc dù chưa đến mức nghiêm trọng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn cũng đang diễn ra và dự báo có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt.

Trước tình hình nắng hạn đang diễn ra gay gắt, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong nước đã tiến hành khảo sát các hồ đập chứa nước và đề ra nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra. Tại Bình Dương, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu ngành chức năng rà soát, lập kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi theo hướng ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và các ngành công nghiệp - dịch vụ, tưới cây công nghiệp lâu năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, không để thất thoát nguồn nước và tránh sử dụng lãng phí nguồn nước.

Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng. Do vậy, người dân cần chuẩn bị tinh thần để “sống chung” với nắng hạn. Theo đó, đối với những khu vực thiếu nước tưới người dân cần chủ động chuyển đổi cây trồng từ các loại cây cần nhiều nước tưới như cây lúa, rau màu sang trồng các các loại cây cần ít nước tưới như bắp, đậu… Đối với những khu vực không còn nguồn nước, người dân không nên xuống giống mà phải chờ đến khi đủ nước tưới mới xuống giống cây trồng nhằm tránh thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Nắng hạn năm nay chắc chắn còn kéo dài. Cùng với những giải pháp của chính quyền, từng hộ gia đình cần nâng cao ý thức ứng phó với nắng hạn bằng những giải pháp thích hợp. Chủ động ứng phó với nắng hạn là để tránh những rủi ro đã được báo trước.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=832
Quay lên trên