Tận cùng về mối quan hệ giữa CIA và Gaddafi

Cập nhật: 01-04-2011 | 00:00:00

Theo nguồn tin thân cận trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Barack Obama mới đây đã ký lệnh cho phép nước này bí mật giúp quân nổi dậy Libya lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi. Ngay sau đó xuất hiện tin đồn, các điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã vào Libya và bắt liên lạc với phe nổi dậy nước này. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến kịch bản CIA âm mưu hạ thủ ông Gaddafi.

 

Tiêu diệt hay không tiêu diệt?

 

CIA có tất cả mọi thứ cần thiết để có thể thực hiện âm mưu ám sát Tổng thống Gaddafi. Họ có thể tiêu diệt Nhà lãnh đạo Libya thông qua các nhân vật trung gian, che giấu sự liên quan của họ và để thế giới tự hỏi nhau xem liệu có bàn tay của CIA trong cái chết của ông Gaddafi hay không.

 

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh từ kịch bản trên: Tổng thống Gerald Ford khi cầm quyền từng ký Sắc lệnh 11905 vào tháng 3 năm 1976, theo đó, cấm các nhân viên của chính phủ Mỹ tham gia hoặc có âm mưu tham gia vào những cuộc ám sát chính trị.

 

 Tổng thống Obama được cho là đã ký lệnh cho phép CIA bí mật giúp đỡ phe nổi dậy Libya.

Vào những năm 1960 và 1970, CIA đã dùng quyền được giết của mình để tiêu diệt P.Lumumba, vị Thủ tướng đầu tiên của nước Congo độc lập, và sau này là tìm cách ám sát người anh hùng Cuba Fidel Castro. Đây là những chiến dịch được đánh giá là vô liêm sỉ nhất của CIA và nó đã gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội của công chúng với cơ quan này. Trước tình hình đó, Tổng thống Ford đã phải ký sắc lệnh nói trên.

 

Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống về nguyên tắc không phải là luật nhưng nó vẫn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt kể cả khi một số người tin rằng những sắc lệnh đó chẳng bao giờ có thể ngăn cản được CIA làm những điều họ muốn. Nhưng họ hoàn toàn sai lầm. Hệ thống chính trị Mỹ được kết cấu theo cách bất kỳ sự xâm phạm quy định, luật lệ hay thủ tục nào sớm hay muộn đều sẽ bị công chúng phát hiện. Điều đó có thể gây ra hậu quả là một loạt quan chức phải ra đi, sự nghiệp bị phá hủy và thậm chí là phải vào bóc lịch trong tù. Ít nhất là họ có nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều trần trước Uỷ ban Tình báo Quốc hội.

 

Bí mật sẽ có lúc bị phơi bày

 

Những bí mật kinh khủng như các vụ ám sát sẽ không thể che giấu mãi, thậm chí là trong những tổ chức nhạy cảm và có tính bí mật cao như CIA. Sẽ luôn luôn có những nhân viên bất mãn sẵn sàng để lộ thông tin. Và kể từ khi vị trí Tổng thống và quyền kiểm soát Quốc hội ở Mỹ thuộc về những đảng phái khác nhau (ngay cả bây giờ) thì có rất nhiều người luôn tìm cách đào bới sự thật.

 

Nhiều quan chức chính phủ sẵn sàng bước qua ranh giới hoặc phá luật không vì một lý do nào khác ngoài việc duy trì sự sống sót của họ trong môi trường chính trị.

 

Người Mỹ trao cho chính phủ của họ những quyền đặc biệt chỉ trong thời điểm xảy ra tình trạng khẩn cấp như thời của Tổng thống George W. Bush sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9. Khi đó, ông Bush đã ký một sắc lệnh cho phép CIA tiêu diệt những kẻ khủng bố, trong đó có Osama bin Laden. Đây có lẽ là một trong số những lần hiếm hoi một Tổng thống ký lệnh cho phép tiến hành các vụ giết chóc.

 

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ việc CIA đã nỗ lực tìm cách tiêu diệt Bin Laden. Tên trùm khủng bố khét tiếng này là một biểu tượng hoàn hảo của tội ác toàn cầu và hắn chính là một cái cớ hữu ích để Mỹ đưa ra nhằm che giấu cho tất cả các loại chiến dịch mờ ám và bất hợp pháp của mình. Nếu có thứ gì đó có thể tiêu diệt Bin Laden thì chắc chắn là do một quả bom nặng gần 500kg rơi từ trên trời xuống chứ không phải là do các điệp viên CIA.

 

Về phần ông Muammar Gaddafi, ông này không có tên trong bất kỳ danh sách khủng bố nào của Mỹ và CIA đã hợp tác với cơ quan tình báo Libya kể từ khi đất nước Bắc Phi này quay trở lại “sân khấu” quốc tế vào đầu những năm 2000. Các nhân viên CIA phải thừa nhận rằng Libya đã cung cấp cho họ rất nhiều thông tin tình báo hữu ích và quan trọng về lực lượng khủng bố, về al-Qaeda và nhiều “nhân vật Ả-rập xấu” khác cho đến khi cuộc nổi dậy ở Libya bắt đầu nổ ra từ tháng 2 vừa rồi.

 

Rạn nứt trong chính quyền của ông Gaddafi

 

Một trong những tay chân thân cận nhất của Tổng thống Gaddafi - Ngoại trưởng Musa Kusa, 64 tuổi, mới đây đã đào tẩu khỏi Libya, chạy đến nước Anh. Đây là nhân vật có thể cho thế giới biết rất nhiều về quan hệ hợp tác giữa Libya và CIA.

 

Được xem là quan chức có ảnh hưởng nhất của Libya bên ngoài gia đình Gaddafi, ông Kusa đã bắt đầu đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ với phương Tây từ đầu những năm 2000.

 

Vì sự “đào tẩu” của ông Kusa, những người xung quanh Tổng thống Gaddafi có thể nghĩ rằng, ngày của nhà lãnh đạo của họ đã sắp hết. Các quan chức cấp thấp hơn có thể sẽ tìm cách theo chân Ngoại trưởng Kusa.

 

Theo luật pháp Mỹ, CIA cần phải nhận được sự cho phép đặc biệt của Tổng thống nếu muốn can thiệp để gây ảnh hưởng đến các sự kiện bên ngoài. Tổng thống Obama được cho là đã ký lệnh cho phép CIA hoạt động ở CIA từ cách đây hai hoặc ba tuần. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, các điệp viên CIA đã bí mật vào Libya từ trước khi liên quân bắt đầu chiến dịch tấn công nước này hôm 19/3.

 

Ngoài việc hướng dẫn các cuộc không kích từ bên trong Libya, CIA cần thu thập thông tin tình báo về quân nổi dậy Libya xem họ là ai, gồm những thành phần nào và năng lực ra sao. Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Quốc hội Mỹ - ông Mike Rogers cho biết: "Chúng tôi biết đang chống lại ai nhưng thực sự không biết đang đại diện hay bênh vực cho lực lượng nào."

 

Tuy nhiên, có vẻ như các điệp viên ở CIA chủ yếu làm công việc thu thập thông tin tình báo. Cũng có nguồn tin cho rằng, các điệp viên CIA được trao quyền cung cấp vũ khí và đào tạo cho các chiến binh nổi dậy đồng thời giám sát và có thể là chỉ huy các chiến dịch quân sự ở Libya. Dù thế nào thì những lý do ở trên cho thấy, CIA sẽ không tìm cách ám sát ông Gaddafi.

 

Gaddafi thách thức liên quân

 

Trong lúc này, ông Gaddafi vẫn tỏ thái độ đầy thách thức trước liên quân. Trong tuyên bố đầu tiên sau “cuộc đào ngũ bất ngờ” của một trong những tay chân thân cận nhất của mình, Tổng thống Gaddafi đã tuyên bố, ông không phải là người nên ra đi mà chính là các nhà lãnh đạo phương Tây đang thực hiện các cuộc không kích vào đất nước Libya.

 

Ông Gaddafi cáo buộc lãnh đạo các nước phương Tây đang tấn công lực lượng của ông là những “kẻ mắc chứng cuồng quyền lực”. "Giải pháp cho vấn đề này là các nhà lãnh đạo của liên quân nên từ chức ngay lập tức và người dân của họ sẽ tìm được người thay thế", ông Gadhafi nói.

 

Sự tự tin và không hề nao núng của Nhà lãnh đạo Libya có lẽ là do các lực lượng trung thành của ông đang lấy lại ưu thế trên chiến trường. Quân của ông Gaddafi lại giành chiến thắng liên tiếp trước phe nổi dậy và tái chiếm lại một loạt thành phố quan trọng. Trong khi đó, các cuộc không kích của liên quân cũng dần trở nên không hiệu quả. Theo đánh giá của NATO, các cuộc tấn công của lực lượng này chỉ phá hoại được khoảng 25% khả năng quân sự của quân chính phủ Libya. Mặc dù vậy, quân chính phủ vẫn mạnh hơn khoảng 10 lần so với phe nổi dậy.

 

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên