Thiết thực chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”

Cập nhật: 29-10-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Để hàng Việt đủ sức cạnh tranh

 Theo ước tính của các chuyên gia, từ tỷ lệ 70% người Việt dùng hàng ngoại, sau 4 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã được nâng lên hơn 60%. Tâm lý “sính ngoại” trong một bộ phận người Việt Nam vẫn còn nặng nề. Để có thể đánh bật hàng ngoại, giành lại thị trường, vẫn còn đó nhiều việc phải làm, từ Nhà nước đến nhà sản xuất và người tiêu dùng (NTD)...

   Bằng nhiều kênh phân phối, hàng Việt đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Bình Dương

 Thật, giả lẫn lộn

Nhờ tin báo của quần chúng, ngày 9-10-2013, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 phối hợp Phòng PC46 Công an tỉnh, Công an TX.Thuận An tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh của ông Đinh Tấn N., một ki-ốt tại chợ Tuy An (phường An Phú, TX.Thuận An) phát hiện số lượng hàng lậu lớn: 5.490 bao thuốc lá ngoại, 1.524 chai dầu ăn các loại, 167kg nhãn hiệu dầu ăn các loại và hàng chục kg vỏ chai chưa dán nhãn, nắp chai, bao bì. Ông N. đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến toàn bộ hàng hóa trên. Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Chi cục QLTT đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an TX.Thuận An thụ lý, làm rõ.    Các DN tặng quà cho người nghèo tại phiên chợ vui tổ chức tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo

Cũng trên địa bàn phường An Phú, TX.Thuận An, ngày 20-9- 2013, Đội QLTT số 8, phối hợp Phòng PC46 Công an tỉnh kiểm tra điểm sản xuất phân bón của ông Phan Ngọc C., giám đốc một công ty sản xuất phân bón, đã sản xuất phân tại gia đình riêng mà không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tổ kiểm tra đã giữ tang vật (là hàng trăm bao phân mang nhãn mác của công ty ông C. đang làm giám đốc), trình cấp thẩm quyền xử lý. Cũng với lực lượng này, vào ngày 26-9-2013 đã kiểm tra Siêu thị Big C Bình Dương, phát hiện siêu thị này có hành vi giả mạo nguồn gốc, nơi sản xuất hàng hóa với tổng giá trị vi phạm 9,78 triệu đồng. Hàng hóa là 218 áo ngực phụ nữ Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc, hàng hóa này do Công ty TNHH AKIKO ở Hà Nội cung cấp. Ngành chức năng đã phạt công ty này kinh doanh hàng hóa nhập lậu và sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa với tổng số tiền 20,9 triệu đồng.

Bên cạnh hàng nhập giả nội, phổ biến hơn vẫn là hàng giả ngoại. Đây là thực tế phát sinh từ tư tưởng “sính ngoại” vẫn còn nặng nề của một bộ phận người Việt Nam. Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai lo lắng cho biết: “Hiện nay do không có bất kỳ hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng sản phẩm, nên phát sinh tình trạng nhập khẩu ồ ạt các mặt hàng cơ điện có chất lượng kém từ Trung Quốc vào Việt Nam. Riêng sản phẩm Tổ máy phát điện, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều nhà cung cấp tại Singapore, lấy hàng từ Trung Quốc, dán nhãn và xin C/O “Assembled in Singapore” (lắp ráp tại Singapore) rồi nhập vào Việt Nam bán với giá cao, gây thiệt hại cho NTD và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước”.

Cần một “sân chơi” công bằng

Trong hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, lại phải đối phó với nạn hàng gian, hàng giả tràn lan, các doanh nghiệp (DN) rất mệt mỏi. Hãy trả lại sự công bằng cho các DN chân chính là đòi hỏi từ thực tế! Theo sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng đã vào cuộc chống hàng gian, hàng giả để ổn định thị trường. Báo cáo của Chi cục QLTT, trong 9 tháng đầu năm đã kiểm tra và phát hiện 9.671 vụ vi phạm. Nhắc nhở 138 vụ, xử lý 4.820 vụ với tổng số tiền phạt, truy thu và giá trị hàng tịch thu là 291,8 tỷ đồng.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN THANH LIÊM: Quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả

Trên tinh thần đạo đức của công chức Nhà nước, lực lượng chức năng cần thực hiện công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, hiệu quả, để tiến tới khống chế, trấn áp các vụ việc vi phạm, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hàng gian, hàng giả đặc biệt nguy hiểm đối với nền kinh tế, cần sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, thông qua sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để đấu tranh. Việc xử lý phải đúng luật, nghiêm túc, kiên quyết, tạo niềm tin trong dân chúng. Đồng thời nhân rộng các điển hình, tăng cường giáo dục pháp luật sâu rộng trong toàn dân, để mỗi người dân có đủ bản lĩnh tự bảo vệ mình và xã hội.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD NGUYỄN VĂN BÁN: Hãy là NTD thông minh để tự bảo vệ mình

Do lực lượng chức năng rất mỏng, trên thị trường một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận làm hàng gian, hàng giả, hàng có hóa chất độc hại, nên NTD phải biết chọn lựa sản phẩm thật, công dụng thật, cũng như các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe để sử dụng.

Bên cạnh việc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, Bình Dương rất quan tâm thực hiện Chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao để tạo một cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại, ngang tầm với sự phát triển công nghiệp. Tính đến tháng 7-2013, toàn tỉnh đã có 94 chợ, 9 siêu thịvà 7 trung tâm thương mại, góp phần phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đề ra kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu điều hành chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 02/ NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đối với hạ tầng thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Theo kế hoạch này, đến năm 2020, Bình Dương phấn đấu đạt số lượng 122 chợ, 24 siêu thị, 37 trung tâm thương mại. Và hiện nay các chợ, siêu thị trong tỉnh đã được phủ khoảng 90% hàng Việt.

Khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong xu thế cạnh tranh diễn ra ngày càng gay go, khốc liệt, cuộc chiến chống hàng ngoại, hàng giả  ngày càng gay gắt hơn. Hơn lúc nào hết mỗi NTD cần tích cực hơn trong việc hưởng ứng CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Dĩ nhiên DN, tổ chức kinh doanh phải cho ra đời những sản phẩm đầy lòng tự trọng, tự hào của hàng Việt, đủ sức thay thế hàng ngoại. Và Nhà nước, với các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là CVĐ Người Việt dùng hàng Việt và chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng thường xuyên, ổn định, sâu rộng. Đó chính là “phao” cứu sinh, là luồng sinh khí giúp DN Việt, hàng Việt có thêm sức lực “chiến đấu” với hàng ngoại, hàng giả trong giai đoạn thị trường đầy “bão tố”  như hiện nay.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên