Thực hiện nghị quyết 11 tại Bình Dương: Nhiều kết quả khả quan

Cập nhật: 26-09-2011 | 00:00:00

Báo cáo mới đây của Sở Công Thương (SCT) Bình Dương cho thấy, tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều đó thể hiện rõ ở 2 lĩnh vực trọng yếu: sản xuất công nghiệp và bình ổn giá cả thị trường. Công nghiệp dệt may có mức tăng trưởng khá trong 9 tháng qua. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương  Ảnh: MINH DÂN

Công nghiệp tăng 17,5%

Đây là con số rất đáng khích lệ và là nỗ lực lớn của toàn ngành công nghiệp Bình Dương. Bởi trong biểu đồ phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp vẫn là mảng ngành chiếm tỷ trọng lớn. Con số trên càng đặc biệt có ý nghĩa hơn nếu đặt trong bối cảnh 9 tháng đầu năm nay các công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách. Trong thời gian qua, lãi suất ngân hàng dao động ở mức khá cao, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, do sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước nên một số DN gặp khó khăn. Tỷ giá đô la và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cũng là một thách thức không nhỏ đối với các DN...

Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm của Bình Dương vẫn giữ được mức tăng trưởng 17,5% như đã nêu trên, đạt 67% kế hoạch năm 2011. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng qua ước đạt 85.684 tỷ đồng. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28.211 tỷ đồng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 54.472 tỷ đồng. Trong các ngành công nghiệp tăng trưởng khá, có thể kể đến công nghiệp khai thác (tăng 15,8%), công nghiệp chế biến (tăng 18%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt (tăng 18,3%). 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng chủ yếu có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái là ô tô các loại (52,9%), đá các loại (32,8%), thuốc lá và sơ hóa học (28,9%), quần áo (26,2%), thuốc viên (22,8%)...

Đạt được các kết quả trên là nhờ vào việc UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp giải quyết cụ thể dựa trên tinh thần của Nghị quyết 11 giúp DN ổn định tình hình trong thời điểm khó khăn và tiếp tục đầu tư, sản xuất. Bên cạnh đó, chính DN cũng có biện pháp ổn định sản xuất - kinh doanh: sử dụng tiết kiệm nguồn điện, ổn định lao động, cải tạo tiền lương và điều kiện làm việc cho người lao động... góp phần cắt giảm chi phí để hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kìm chế đà tăng của CPI

Theo báo cáo mới nhất của SCT Bình Dương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 của tỉnh ta chỉ tăng 0,32% so với tháng trước, tăng thấp nhất so với đầu năm. Đây là minh chứng sống động nhất cho việc Nghị quyết 11 phát huy hiệu quả cao. Đáng chú ý hơn, dù đang trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 vẫn không hề giảm, cho thấy sức mua sắm và niềm tin vào thị trường của người tiêu dùng. Trong 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 41.366 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 65% và kinh tế dân doanh tăng 27%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng đến 8,4%.

Để đạt được những con số đáng khích lệ kể trên không phải là một quá trình dễ dàng. Bởi tình hình kinh tế thế giới 9 tháng qua có nhiều biến động bất ổn, lạm phát gia tăng, giá cả các mặt hàng thiết yếu biến động thất thường nên ảnh hưởng đến sức mua trong dân. Trước tình hình đó, sự xuất hiện của Nghị quyết 11 đã mang tính định hướng chiến lược quan trọng để Bình Dương nỗ lực kìm chế lạm phát và ổn định thị trường. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ra Kế hoạch 1350/KH-UBND ngày 19-5-2011 về bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện kế hoạch này, SCT đã chỉ đạo các DN tham gia tổ chức bán hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, đồng thời với việc bán hàng lưu động tại vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp. Qua đó, đưa hàng hóa giá rẻ đến tận tay người dân. Bên cạnh đó, thị trường bước vào tháng khuyến mại hàng năm với nhiều chương trình đa dạng của các DN cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần đẩy mạnh tổng mức bán lẻ hàng hóa. Chính nhờ những bước đi hợp lý kể trên mà CPI tháng 9 của Bình Dương chỉ tăng 0,32%.

Rõ ràng, nhờ quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bình Dương đã đạt được những con số đáng khích lệ trong sản xuất công nghiệp và thương mại, tiêu dùng ở thời điểm đầy nhạy cảm và khó khăn trong 9 tháng qua. Đó cũng là cơ sở để đặt niềm tin vào công tác khuyến công, bình ổn giá cả thị trường của tỉnh trong 3 tháng còn lại của năm 2011 với nhiều biến động khó lường.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=354
Quay lên trên