Tích cực, chủ động, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2021

Cập nhật: 28-12-2020 | 21:17:43

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại điểm cầu Bình Dương, dự hội nghị có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện thị, thành phố.

Năm 2020, kinh tế Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định, có mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước. Trong ảnh: Hàng hóa xuất khẩu tại Công ty Tân cảng Sóng Thần

Đạt được những mục tiêu quan trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hội nghị lần này không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn năm 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia có bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực, các giá trị tốt đẹp của dân tộc được phát huy…

UBND tỉnh xác định 33 chỉ tiêu chủ yếu năm 2021. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2020. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 150.005 tỷ đồng, chiếm 34,7% GRDP năm 2021, tăng 12,3% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ.

Riêng năm 2020, thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%, mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ, công chức và nhân dân. Đến thời điểm này, có thể khẳng định chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Các địa phương cần chủ động, quyết liệt

Năm 2021 dù tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP. Chính phủ khẳng định, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch, công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.

Tại Bình Dương, trên những nền tảng đạt được trong năm 2020, năm 2021 tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu vừa phát triển KT-XH ổn định, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; phục hồi tăng trưởng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm, phát triển đô thị - dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh. Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. 

Chính phủ xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2021. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
 
TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên